Chia sẻ những khó khăn về công tác đấu thầu, mua sắm thuốc, tại buổi làm việc với Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM, chiều 29-9, dược sĩ Nguyễn Phước Thành Nhân, Trưởng Khoa Dược, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức, TP HCM) cho biết công tác đấu thầu mất thời gian, dẫn đến hao nhân lực.
Dược sĩ Nguyễn Phước Thành Nhân, Trưởng Khoa Dược, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức, TP HCM) báo cáo tại buổi làm việc cùng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM
Tổng kinh phí dành cho đấu thầu thuốc rất lớn, chiếm hơn 55% nên bệnh viện phải tập trung nguồn lực trả nợ cho công ty. Tuy nhiên, bệnh viện lại phụ thuộc nhiều vào BHYT. Nếu BHYT chậm thanh toán cho bệnh viện sẽ dẫn đến chậm thanh toán cho công ty, như vậy nợ công sẽ kéo dài. Đây là một trong những nguyên nhân gây thiếu thuốc.
Dược sĩ Nhân cũng khẳng định hiện bệnh viện không thiếu thuốc, bởi tại đây đã dự trù mua nhiều loại hàng của nhiều công ty. Tuy nhiên, kiến nghị cần sửa Luật Dược 2013 và Luật Đấu thầu 2013, cho phép đàm phán giá. Bởi thuốc là hàng hóa đặc biệt, không quản lý chặt chẽ sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng bệnh nhân.
Với đề nghị này, bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế cho hay thuốc là mặt hàng kiểm soát đặc biệt, phải theo Luật Đấu thầu mua sắm thuốc với nhiều hình thức như đấu thầu tập trung cấp quốc gia, đàm phán giá... trong quy trình đấu thầu, việc xây dựng giá kế hoạch khó vì phải thấp hơn giá trúng thầu năm trước. Nhiều thuốc đã hết hiệu lực đăng ký lưu hành và Bộ Y tế đang tiếp tục gia hạn, nhưng đây chỉ là giải pháp trước mắt. Ngoài ra, đấu thầu tập trung cấp địa phương hay cấp bệnh viện thường chỉ đáp ứng 80% kế hoạch.
Bác sĩ Nam cho biết thêm ngành y tế đang kiến nghị Bộ Y tế mở rộng danh mục đấu thầu cấp địa phương, giúp số thuốc đấu thầu tại các bệnh viện giảm bớt, nhẹ gánh cho bệnh viện. Đồng thời, ban hành danh mục cần công khai, kê khai. Hiện việc mua sắm vật tư y tế trang thiết bị còn nhiều vướng mắc trong kê khai giá, công khai giá, số lượng quá lớn.
Về cơ chế tự chủ tài chính theo Nghị định 43, theo bác sĩ Nam, TP HCM hiện có 48/50 bệnh viện đang hoạt động với mô hình này. "Chính phủ đã ban hành Nghị định 60 quy định về tự chủ tài chính và chia làm 4 nhóm tự chủ, đáng lý đến nay bệnh viện phải thực hiện theo. Đề nghị bệnh viện đánh giá lại tình hình tự chủ, nguồn cải cách tiền lương... để điều chỉnh cơ chế" - bác sĩ Nam nói.
Ghi nhận những kiến nghị của Bệnh viện Lê Văn Thịnh, bà Văn Thị Bạch Tuyết, Thành ủy viên, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM nhận định thực tế đơn vị muốn phát triển thì phải có dư, thu nhiều hơn chi. Nhiều đơn vị hiện nay, kể cả trường học, bệnh viện, ban đầu thu nhiều hơn nhưng dần dần cơ sở vật chất xuống cấp, hư hao trang thiết bị, phải mua sắm đầu tư nên thâm hụt, dẫn đến hoạt động gặp khó khăn.
Bà Tuyết cho biết thêm vấn đề hiện nay là các cơ quan chức năng tham mưu Chính phủ để khai thác tốt nguồn xã hội hóa, không lạm dụng để tăng áp lực thu lên người dân. "Sau buổi làm việc chúng tôi sẽ có tổng hợp để góp ý cho luật đấu thầu, luật khám chữa bệnh và dự kiến sẽ làm việc với Sở Y tế và các bệnh viện trong thời gian sắp tới" – bà Tuyết nói.
Bình luận (0)