Bệnh viện (BV) Nhi Ðồng 2 (TP HCM) vừa tiếp nhận một cô bé 13 tuổi nhảy lầu tự tử chỉ vì bị mẹ xem điện thoại. Cô bé rơi trúng vài vật cản trước khi tiếp đất nên giữ được mạng sống nhưng phải điều trị lâu dài vì dập gan. Vài tháng trước đó, BV Nhi Ðồng 1 (TP HCM) cũng phải tiếp nhận 2 ca nhảy lầu, đều là các thiếu nữ 13-14 tuổi.
Ðáng sợ trầm cảm tuổi teen
Bác sĩ (BS) chuyên khoa II Trần Minh Khuyên, chuyên khoa tâm thần kinh Phòng khám Bệnh viện ÐH Y Dược 1, cho biết ông từng khám cho rất nhiều cô bé tuổi teen (độ tuổi thiếu niên) có ý định tự tử hoặc đã có hành vi tự hủy hoại bản thân mà nguyên nhân chủ yếu là chứng trầm cảm. Phần lớn các em này phải đối mặt với nỗi đau gia đình tan vỡ hoặc những vấn đề ảnh hưởng đến lòng tự tôn của bản thân như bị bạn bè bắt nạt, người lớn kiểm soát quá đáng.
"Mới nhất là trường hợp một em gái 18 tuổi. Cha mẹ em chia tay đã một thời gian, em sống với mẹ. Rồi một ngày, em cầu cứu cha, bảo cha hãy đưa mình đến BS tâm thần. Trải lòng với tôi, cô bé nói em làm việc gì cũng bị mẹ chì chiết "mày cũng như cha mày". Lâu dài, em bắt đầu thấy mình có những suy nghĩ bi quan, đã từng nhiều lần cầm lưỡi lam thử cứa tay nhưng kịp dừng lại vì còn sợ chết. Rồi em tính đến chuyện mua thuốc ngủ. Người cha ngỡ ngàng khi tôi thông báo con ông đã bị trầm cảm rất nặng. Trước đó, em có nói với mẹ về chuyện muốn chết nhưng người mẹ không tin, cho rằng con chỉ nói những chuyện vớ vẩn" - BS Khuyên kể.
Một ca tư vấn tâm lý tại Khoa Sức khỏe tâm trí Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP HCM. (Ảnh chỉ có tính minh họa)
ThS-BS Ðinh Thạc - Trưởng Khoa Tâm lý BV Nhi Ðồng 1, người đã khám cho 2 cô bé nhảy lầu - cho biết 2 em này cũng bị trầm cảm. Một em bị ảnh hưởng bởi sự bạo hành của mẹ đối với cha mình từ rất lâu trước đó và bảo rằng mình rất ghét mẹ. Khi cha mẹ ly hôn, em về sống với nhà nội nhưng chủ yếu là ông bà nội bởi cha em thường xuyên đi công tác xa nhà. Không ai chia sẻ, bệnh trầm cảm ngày nặng dần.
Cô bé thứ hai thì nhảy lầu vì bị bạn bè trong lớp trêu chọc về thân hình mập mạp của mình. Gia đình bé cũng không ổn, ba mẹ ít quan tâm. Không có ai, cô bé tìm đến mạng xã hội Zalo và kết giao với một người chị mà bé rất quý. Sau đó, người chị này cắt liên lạc, cô bé buồn, không chịu đi học, rồi xảy ra chuyện đau lòng.
"Hai cô bé này đều nhảy lầu ở tầng thấp, một em ở lầu 2, một em ở một vị trí cách đất 4-5 m nên may mắn được cứu sống. Nhưng các em phải điều trị về tâm lý" - BS Ðinh Thạc cho biết.
Ðừng hành xử với thiếu nữ như trẻ con
Theo BS Trần Minh Khuyên, tuổi thiếu niên là giai đoạn mà dân gian hay đùa là "nửa ông nửa thằng", các em đã bắt đầu có ý thức tự khẳng định bản thân nhưng vẫn còn nhiều suy nghĩ ngây ngô, dễ tự ái, dễ tổn thương. "Cha mẹ cần đặt mình vào vị trí của con. Có nhiều chuyện người lớn từng trải cho rằng chuyện nhỏ nhưng với các em đó là vấn đề quan trọng" - BS Khuyên tư vấn.
Ðây cũng là giai đoạn cha mẹ nên bắt đầu đối xử tôn trọng với trẻ hơn. BS Khuyên từng gặp một trường hợp thiếu nữ thay đổi tính tình, trở nên lầm lì chỉ vì người cô ruột đang chăm sóc em đã kiểm soát em quá gắt gao, em làm cái gì cũng muốn biết, lúc nào cũng muốn em làm theo ý mình từng chút một. May mắn là em đã được đưa đi khám sớm, nên BS Khuyên đã yêu cầu chính người cô phải thay đổi trước khi cô bé mới lớn này đổ bệnh.
Những thứ riêng tư của các cô gái nhỏ cũng nên được tôn trọng hơn. Nhiều trẻ ngày nay được tiếp xúc với những nền văn hóa mà trẻ em được tôn trọng trong không gian riêng, cha mẹ vào phòng cũng lịch sự gõ cửa, tôn trọng những bí mật cá nhân như nhật ký, điện thoại... Khi cha mẹ vẫn kiểm soát con theo nếp cũ, các em có thể cảm thấy bị tổn thương, lâu ngày sinh bệnh.
Cách "kiểm soát" con tốt nhất vẫn là làm bạn với con, để con thấy yên tâm, thấy mình là chỗ chia sẻ tin cậy trong mọi vấn đề, trẻ sẽ tự khắc tìm đến cha mẹ mỗi khi có chuyện hay khi bối rối về việc học hành, các mối quan hệ xã hội.
Chú ý những lời nói "vu vơ"
Theo ThS-BS Ðinh Thạc, khác với các em trai thường tìm cách thể hiện rõ ràng những bất ổn về tâm lý thì các thiếu nữ lại biểu hiện kín đáo hơn nhưng không phải không thể nhận thấy. Ðó thường là việc học hành bỗng dưng sa sút hoặc tự dưng không chịu đi học nữa. Ðó là việc bỗng dưng thích ngồi một mình, tỏ ra buồn, ít giao tiếp, đi học về là nhốt mình trong phòng. Ðó là những câu nói như "Con chán đời", "Con muốn chết"... Ðôi khi cha mẹ biết nhưng lại tưởng đó chỉ là những lời vu vơ của trẻ con. Khi trẻ có những biểu hiện này, cần được đưa đến BS ngay.
Bình luận (0)