Phẫu thuật chữa bệnh béo phì tại Bệnh viện Việt Đức
Xin phẫu thuật để giảm cân siêu tốc
Theo PGS-TS Trần Bình Giang, Phó Giám đốc kiêm Trưởng Khoa Phẫu thuật Cấp cứu tiêu hóa Bệnh viện Việt Đức, phương pháp thắt đai giảm béo được bệnh viện triển khai từ năm 2007. Đến năm 2011, bệnh viện triển khai thêm kỹ thuật tạo hình dạ dày ống đứng chữa bệnh béo phì. Đây là 2 phương pháp đạt hiệu quả cao và phổ biến trên thế giới nhưng chỉ định cho những người béo phì cần điều trị để tránh các biến chứng như bệnh tim mạch, đái tháo đường, rối loạn hô hấp, viêm xương khớp, sỏi đường mật, ung thư…
“Bệnh viện từ chối mọi đề nghị phẫu thuật tạo hình dạ dày ống đứng vì mục đích thẩm mỹ, làm đẹp. Chính vì thế, đến thời điểm này mới chỉ có hơn 100 bệnh nhân được thắt đai và trên 10 trường hợp được tạo hình dạ dày để giảm béo” - TS Giang nhấn mạnh.
Thạc sĩ - bác sĩ Bùi Thanh Phúc, Khoa Phẫu thuật Cấp cứu tiêu hóa Bệnh viện Việt Đức, cho biết rất nhiều người hiểu nhầm đây là một dạng phẫu thuật thẩm mỹ nên đã nằng nặc xin thực hiện để giảm cân siêu tốc. Mới đây, một phụ nữ gần 50 tuổi đề nghị phẫu thuật để giảm béo do sợ chồng chê nhưng bệnh viện không chấp nhận vì xét về cân nặng 65 kg với chiều cao 1,55 m thì bà mới chỉ thừa cân chứ chưa béo phì nên không đủ tiêu chí để phẫu thuật.
Kén bệnh nhân
Theo bác sĩ Phúc, cả hai phương pháp thắt đai giảm béo và tạo hình dạ dày ống đứng đều kén bệnh nhân và chỉ áp dụng với những trường hợp bất đắc dĩ như người quá béo, có nguy cơ biến chứng cao.
Ở Việt Nam, chỉ những bệnh nhân béo phì nhưng không thể giảm cân bằng các phương pháp khác hoặc kèm theo một bệnh lý khác mới được chỉ định phẫu thuật. Hai phương pháp này không áp dụng với người dưới 18 tuổi nhưng có chỉ định với bệnh nhân béo phì có tiền sử cao huyếp áp, đái tháo đường, mỡ máu cao, thoái hóa khớp…
Với 100 bệnh nhân phẫu thuật béo phì tại Bệnh viện Việt Đức, các kết quả đánh giá cho thấy cân nặng trung bình của mỗi người sau phẫu thuật một năm giảm khoảng 35 kg. Có trường hợp sau 2 năm cân nặng đã giảm từ 160 kg xuống còn 78 kg. Nhiều người sau phẫu thuật giảm béo thì các bệnh phối hợp gần như biến mất. Đặc biệt, 2 bệnh nhân nữ lập gia đình nhiều năm không có con nhưng 2 năm sau phẫu thuật đều đã làm mẹ.
Tuy tác dụng như thế nhưng các chuyên gia về điều trị béo phì khuyến cáo rằng việc phẫu thuật để giảm béo có những chỉ định rất nghiêm ngặt và phải thực hiện ở những cơ sở uy tín, bởi bất kỳ phương pháp điều trị nào cũng tiềm ẩn nguy cơ biến chứng, nhất là những phẫu thuật can thiệp trực tiếp vào cơ thể người bệnh thông qua gây mê, mổ xẻ, thuốc men…
Phương pháp nào cũng có nhược điểm PGS-TS Trần Bình Giang cho biết thắt đai dạ dày ống đứng có thể giảm cân gấp 10 lần so với các phương pháp giảm béo thông thường nhưng kỹ thuật này hay gây nôn trong trường hợp bệnh nhân ăn nhanh, uống nhanh. Với kỹ thuật nội soi tạo hình dạ dày ống đứng thì các bác sĩ sẽ cắt một phần dạ dày khiến lượng thức ăn nạp vào buộc phải giảm theo. Sau khi phẫu thuật, cân nặng giảm như thắt đai giảm béo, tức khoảng 10 kg/tháng trong thời gian đầu và trọng lượng cơ thể sẽ phù hợp sau 1 năm rưỡi đến 2 năm nhưng nhược điểm là dạ dày không thể hồi phục. |
Bình luận (0)