Bệnh nhân V.T.H. ở Hà Nội được đưa đến Bệnh viện Bưu Điện (Hà Nội) cấp cứu trong tình trạng tổn thương nặng vùng cẳng chân phải với mảng da bị lóc dài 30 x 20 cm, kéo dài từ cổ chân tới mu bàn chân. Bệnh nhân cho biết trong lúc đi xe máy về nhà, biết hàng xóm có con chó dữ là giống chó săn nên bà đã cố tránh nhưng nhưng do dây xích dài nên con chó vẫn lao ra, cắn vào chân phải lúc bà đang ngồi phía sau xe.
Nạn nhân bị lóc một mảng da lớn ở chân sau khi bị chó săn nhà hàng xóm xông ra cắn
Theo bác sĩ Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Bưu Điện, vết thương của bệnh nhân khá phức tạp. Sau khi làm sạch, tiêm phòng uốn ván, bác sĩ đã mổ cấp cứu, cắt lọc da, sau đó khâu lại với hy vọng phần da sống nhiều nhất có thể.
Dù vết thương không nguy hiểm đến tính mạng nhưng bệnh nhân có nguy cơ nhiễm virus dại và nhiều vi khuẩn độc lực cao có thể gây nhiễm khuẩn huyết và phát dại nếu không được điều trị, phòng ngừa kịp thời. Vùng da bị lóc có thể gặp một số di chứng về sau.
Đến thời điểm này, 2 tuần sau phẫu thuật, vết mổ của bệnh nhân khô, không nhiễm trùng, vùng da bị lóc sống 80% nhưng do bị cắn đứt một số dây thần kinh không thể khắc phục nên bệnh nhân bị tê bì, mất cảm giác toàn bộ mu bàn chân đến cổ chân.
Cách đây ít ngày, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cũng tiếp nhận một bệnh nhi 3 tuổi được chuyển đến từ Trung tâm y tế huyện với rất nhiều vết thương nặng, phức tạp vùng hàm mặt do bị chó cắn. Trước đó, khoảng 6 giờ tối 2-6, bệnh nhi có sang nhà hàng xóm chơi với bạn, trong lúc gia đình không chú ý, các bé đưa nhau ra sau nhà chơi và không may bị chó cắn.
Cháu bé bị chó nhà hàng xóm cắn thương tâm - Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Tại thời điểm xảy ra sự việc, mặc dù con chó nuôi đã được xích nhưng cháu bé còn quá nhỏ và chưa có khả năng phản ứng nhanh với tình huống bất ngờ này nên bị thương khá nặng. Bác sĩ điều trị cho biết các vết thương vùng hàm mặt của bệnh nhi khá phức tạp, trong đó vết thương vùng trán đã lộ xương và một số vị trí có khuyết hổng phần mềm khá lớn nên việc phẫu thuật đòi hỏi phải rất tỉ mỉ, cẩn thận và đảm bảo được tính thẩm mỹ cho khuôn mặt của trẻ sau khi hồi phục.
Theo các bác sĩ, khi trẻ nhỏ không may bị chó cắn, người nhà cần nhanh chóng rửa sạch vết thương dưới vòi nước chảy để loại bỏ các mầm bệnh. Dùng băng gạc hoặc vải sạch nhẹ nhàng băng bó lại vết thương nhằm cầm máu cũng như hạn chế vi khuẩn tấn công.
Người dân tuyệt đối không nên tự xử lý ở nhà bằng cách rửa bằng xà phòng, dùng thuốc lá, thuốc lào hoặc một số loại lá cây cầm máu vì điều này có thể gây nguy hiểm cho người bệnh, khiến các loại virus, vi khuẩn độc lực cao dễ xâm nhập vết thương. Sau khi xử trí các vết thương hở, nạn nhân cần được đưa đến ngay cơ sở tiêm chủng để được bác sĩ tư vấn và chỉ định tiêm phòng dại cũng như hướng dẫn cách xử trí với vật nuôi.
Bình luận (0)