Sau khi đưa trẻ rời bệnh viện về nhà thì các bậc cha mẹ phải làm thêm một việc quan trọng mà trong những ngày trẻ nằm viện, họ không cần phải làm. Đó là cho trẻ uống thuốc. Nhiều người lo lắng nên cho trẻ uống bao nhiêu là vừa và uống như thế nào.
Cần nắm rõ liều lượng thuốc
Liều lượng thuốc thường do bác sĩ chỉ định hoặc với những thuốc không cần kê toa thì liều lượng được ghi trên vỏ hộp thuốc. Cần phải biết rõ liều lượng thuốc cho trẻ uống trước khi đưa trẻ về nhà. Đối với trẻ nhỏ thì liều lượng thuốc thường được xác định theo trọng lượng của trẻ. Cho trẻ uống thuốc quá ít hoặc quá nhiều đều mang đến rủi ro cho sức khỏe. Vì vậy, phụ huynh cần biết rõ trọng lượng của con mình.
Ngoài ra, phụ huynh cần hỏi kỹ bác sĩ tại bệnh viện về thời gian cho trẻ em uống thuốc. Nếu trẻ dùng nhiều loại thuốc ở những thời điểm khác nhau trong ngày, tốt nhất nên nhờ y sĩ hay điều dưỡng viết ra một thời khóa biểu dùng thuốc rõ ràng.
Dụng cụ dùng để đong thuốc cũng rất quan trọng. Đối với dạng thuốc lỏng nên dùng muỗng, tách có chia vạch được bán kèm theo chai thuốc. Không nên dùng các loại muỗng ăn thông thường ở nhà bếp vì có thể làm sai lệch liều lượng thuốc. Riêng đối với ống nhỏ đếm giọt thuốc, lọ thuốc nào phải dùng ống nhỏ ấy, không được dùng ống nhỏ của lọ thuốc này để đếm giọt ở lọ thuốc khác.
Đối với dạng thuốc lỏng, nếu nhãn thuốc yêu cầu phải lắc lọ trước khi dùng thì cần lắc mạnh lọ thuốc liên tục trong khoảng 30 giây.
Dùng thuốc trong thời gian bao lâu cần theo chỉ dẫn của bác sĩ. Ảnh: Tấn Thạnh
Thận trọng hơn với trẻ sơ sinh
Trẻ sơ sinh chỉ có thể thích hợp với thuốc dạng lỏng. Để trẻ ở vị trí giống như khi cho trẻ bú mẹ hoặc cho ngồi ở ghế cao. Từ từ cho thuốc vào một bên má trong của trẻ (không nên cho thuốc nước vào ngay sau cuống họng vì thuốc có thể làm cho trẻ bị ho, sặc, nghẹt thở...), sau đó dùng tay ấn nhẹ 2 bên má của trẻ để thuốc đi vào dễ dàng. Cũng có thể dùng núm vú cao su để đưa thuốc vào cơ thể của trẻ. Cho thuốc vào bình sạch, cho thêm vài muỗng nước sạch và đảo đều, sau đó cho trẻ bú đến hết thuốc. Tráng bình bằng 2 hoặc 3 muỗng canh nước sạch rồi cho trẻ bú tiếp.
Đối với những trẻ lớn hơn thì có thể dùng thuốc dưới dạng viên nén hoặc viên nang. Một số loại viên nén có thể cà nhuyễn và một số viên nang có thể tháo ra để lấy phần bột thuốc bên trong. Tuy nhiên, vì không phải thuốc nào cũng có thể cà nhuyễn hoặc tháo bỏ nang thuốc, do đó cần hỏi ý kiến bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng tại bệnh viện xem những loại thuốc trẻ sẽ dùng có thể cà nhuyễn hoặc tháo rời nang hay không. Lưu ý rằng thuốc sau khi cà nhuyễn hoặc tháo ra khỏi nang phải cho trẻ uống ngay, không nên để lâu vì thuốc sẽ biến chất.
Đừng “đánh lừa” trẻ
Thông thường, trẻ em thường thích một loại hương vị “ruột” nào đó. Vì vậy, cần tìm hiểu sở thích của trẻ để chúng dễ dàng chấp nhận việc uống thuốc. Đa số các loại thuốc dạng lỏng dành cho trẻ em đã được bào chế với nhiều mùi vị khác nhau, như cam, dâu, vanilla, sô-cô-la...
Đối với những loại thuốc quá đắng, cần nên cho trẻ ngậm một mẩu nước đá nhỏ vì nhiệt độ lạnh trên lưỡi sẽ khiến trẻ không còn cảm nhận được vị đắng. Điều quan trọng phụ huynh cần lưu ý là không nên “đánh lừa” trẻ bằng cách nói thuốc là kẹo, là chè hay xi-rô..., bởi sẽ có lúc, khi gặp một viên thuốc rơi đâu đó thì chúng sẽ nghĩ là kẹo hoặc nhìn thấy một chai thuốc lỏng lại chắc đó là xi-rô.
Trong trường hợp bận công việc hoặc vì lý do nào đó mà bạn quên cho trẻ uống thuốc, hãy lập tức cho chúng uống ngay khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu ở thời điểm mà bạn nhớ ra gần với thời điểm để uống liều kế tiếp thì bỏ hẳn liều đã quên. Chờ đến thời gian liều kế rồi cho trẻ uống như bình thường (chỉ một liều bình thường chứ không được cho uống bù liều đã quên).
Trước khi cho trẻ uống thuốc cần rửa tay sạch bằng xà phòng và lau tay khô bằng khăn sạch. Tất cả dược phẩm đều phải để xa tầm với của trẻ em.
Không tự ý ngưng thuốc khi thấy đứa trẻ mạnh khỏe trở lại cũng như không được tự ý tăng liều hoặc sử dụng thuốc lâu dài khi thấy trẻ vẫn còn yếu.
Bình luận (0)