Mặc dù vẫn chưa thật sự vào mùa mưa nhưng vài cơn mưa đầu mùa vừa qua đã gây lo lắng cho nhiều tiểu thương ở các chợ, nhất là những hộ kinh doanh ngành hàng thực phẩm cũng như những người làm công tác quản lý vệ sinh tại TPHCM.
Chị Bùi Hạnh Minh, bán thịt tại chợ An Lạc (Bình Chánh) bức xúc, cho biết: Đây là khu mới được sửa năm ngoái, nhưng không biết mấy ổng làm thế nào mà nước vẫn không thông thoát ứ đọng trên nền gây mùi hôi khó chịu. Bà Trần Thị Hà bán rau cải chợ Phan Văn Trị (Bình Thạnh) than: Mùa mưa đến là buôn bán ế ẩm vì ở đây cứ mưa xuống là ngập nhiều khu vực, rác rưởi trôi lềnh phềnh, ai vào chợ cũng ngán.
Bà Hoàng Thị Ngọc Ngân, phó khoa vệ sinh môi trường Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM, cũng hết sức lo lắng trước tình trạng hệ thống chợ ở TPHCM từ nhiều năm nay đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng vẫn không được khắc phục nên cứ đầu mùa mưa là lại lo về an toàn vệ sinh thực phẩm. Hàng năm Trung tâm Y tế Dự phòng kết hợp với các ban, ngành quận, huyện tiến hành kiểm tra tình hình vệ sinh an toàn ở các chợ đều cho thấy chỉ có khoảng 40% chợ là đạt yêu cầu tương đối, số chợ còn lại nhất là các chợ nhỏ vệ sinh rất kém. Hệ thống cấp nước, thoát nước, nhà vệ sinh công cộng, nhà lồng chợ đều xuống cấp nặng. Rác vứt bừa bãi, nước cống hôi thối. Cách sắp xếp ngành hàng không hợp lý như các mặt hàng tươi sống bán xen kẽ với các thức ăn khác cũng là nguồn lây nhiễm bệnh.
Theo bà Ngân, tình trạng vệ sinh trong chợ không đảm bảo, nước thải bị ứ đọng, rác không được dọn dẹp nhanh sẽ là nơi hình thành ổ vi trùng gây bệnh. Các ổ vi trùng này có thể phát tán lây sang các loại thức ăn, thức uống bằng đường nước, tay chân kể cả vi trùng phát tán theo đường không khí gây nguy hiểm cho người tiêu dùng. Nhiễm nhẹ cũng gây các chứng bệnh về đường ruột. Trường hợp nặng, vi trùng sẽ phát tán gây tả, lị, thương hàn, tiêu chảy.
Ban quản lý các chợ nói gì? Ông Lê Văn Dân, Trưởng Ban Quản lý chợ Mai Xuân Thưởng: "Chữa cháy" bằng một số nguồn thu ở chợ Đặc thù của chợ này là bán trên lòng đường, cho nên vấn đề vệ sinh chỉ tương đối. Mặt đường xuống cấp chưa được Nhà nước đầu tư sửa chữa nâng cấp, hệ thống thoát nước gần như tê liệt. Chợ phải hợp đồng với Công ty Công ích quận 8 để nạo vét cống, nhưng vẫn không giải quyết nổi vì sau vài ngày là bị nghẹt trở lại, nhân viên chợ phải tham gia nạo vét nhằm giải quyết tình thế. Rác ở đây cũng nan giải do chợ hoạt động suốt ngày đêm, rác bị ứ đọng nhiều, gây cản trở lưu thông, hôi thối. Chợ rất muốn chỉnh trang lại mặt đường, hệ thống thoát nước nhưng không được phép. Bà Lâm Thị Tuyết, Trưởng Ban Quản lý chợ Minh Phụng: "Kiến nghị 7, 8 năm vẫn chưa được kinh phí" Tình trạng chợ xuống cấp rất trầm trọng cả chục năm nay. Năm nào chợ cũng kiến nghị lên quận để xin kế hoạch, kinh phí sửa chữa lại chợ nhưng vẫn không nghe quận nói gì. Quá bức xúc về tình trạng xuống cấp của chợ, ban quản lý đã có thông báo với các đơn vị để làm đối tác sửa chữa xây dựng lại chợ nhưng cũng chưa có đơn vị nào nhảy vào do giá bồi hoàn giải tỏa quá cao. Đa số tiểu thương ở chợ đều thuộc diện khó khăn, không thể vận động tiểu thương đóng góp sửa chữa lại chợ mà chỉ vận động được bà con tự dặm vá, sửa chữa ngay chỗ mình nếu mặt nền bị bong tróc, dặm vá mái nhà nếu bị dột. Ông Cao Trọng Dũng, Trưởng Ban Quản lý chợ Bà Chiểu: "Kinh phí 200 - 300 triệu đồng/năm chỉ đủ sửa chữa chắp vá" Năm nay chợ sẽ tiến hành chống thấm, dột cho khu 3 bán hàng khô, thịt, sửa chữa hệ thống thoát nước. Với kinh phí 200 - 300 triệu đồng/năm chỉ giải quyết được bề nổi, còn bên trong thì phải đầu tư lớn. Trường hợp khu chợ cá bị xuống cấp cũng đã báo cáo lên quận và sẽ trình ra HĐND quận sắp tới để tìm biện pháp giải quyết. Hố ga thường xuyên bị nghẹt, chợ có thuê đơn vị công trình công cộng nạo vét, nhưng họ làm bằng thủ công cho nên không giải quyết được triệt để. Vào mùa nắng chỉ sau 2, 3 tháng, mùa mưa thì sau một - hai tuần là bị nghẹt trở lại ngay. L. Giang - M. Cường ghi |
Những ngôi chợ... khủng khiếp
Chợ Minh Phụng (quận 6) tuy không phải là chợ đầu mối, nhưng có vị trí thuận lợi là ở khu vực dân cư đông. Ngoài ra đã từ lâu chợ được xem là chợ đêm thu hút khá nhiều khách. Thế nhưng cơ sở hạ tầng chợ đã xuống cấp nghiêm trọng. Nhà lồng chợ thấp lè tè, mưa xuống là dột nát. Trong chợ khu nào cũng ẩm thấp, đọng nhiều vũng nước. Khu bán thịt cá, rau cải hoàn toàn không có nhà lồng, bà con tiểu thương phải đóng sạp, lợp mái tôn chỉ ngang tầm đầu giống như những chuồng cu. Cả khu vực không có chỗ nào là không có rác. Nhiều tiểu thương ở chợ cho biết, mưa lớn hay nhỏ cũng bị ngập ít nhất là nửa giờ nước mới chịu rút. Những cơn mưa gặp lúc triều cường là tiểu thương đành bó gối ngồi chơi vì không có ai dám vào chợ. Chưa hết, do mặt nền chợ thấp so với mặt đường cho nên nước mưa từ bên ngoài đường đổ vào kéo theo rác rưởi trôi lều phều.
Chợ Bình Tây (quận 6) cũng rơi vào tình trạng trên, hàng ngàn hộ kinh doanh hàng khô, gia vị, bách hóa dọc theo hai bên hông chợ trên đường Trần Bình, Lê Tấn Kế vẫn như ngày nào vật liệu che chắn tạm bợ bằng gỗ tạp và tôn sét. Khu buôn bán bên đường Trần Bình còn tương đối khá, có nền xi măng, mái tôn ít bị dột nhưng phía đường Lê Tấn Kế được tiểu thương ở đây ví von là “sống chung với lũ”. Khái niệm thoát nước ở đây hầu như không có, vì có nền chợ đâu mà có cống thoát nước. Mưa xuống ngập lênh láng, bùn, cát, rác tạo thành một thứ chất bẩn sền sệt và đen kịt, hôi hám làm không ai dám vào chợ. Tiểu thương phải tự cứu bằng cách đóng thùng kê hàng lên thật cao, tấm bạt phải thủ sẵn vài cái kể cả giày lội nước.
Tại khu nhà lồng bán cá, thịt chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh) ngay trong những ngày không có mưa nền chợ lồi lõm, nắp cống nhấp nhô, một số bể cả nắp không còn khả năng đậy kín. Mùi hôi thối từ đường cống bốc lên nồng nặc, nhiều đoạn nước cống tràn lên mặt nền. Cặp hai bên hông chợ, phía sau chợ nhiều mặt hàng tươi sống như thịt, cá, rau củ bày bán la liệt trên lề đường lúc nào cũng lầy lội. Tại một đầu con hẻm phía sau chợ có nhiều người làm gà, vịt rất mất vệ sinh. Nhiều tiểu thương cho biết: Cứ mưa xuống là nước ngập lênh láng do đường cống thoát nước cả năm nay không được nạo vét.
Chợ Cầu Muối - Cầu Ông Lãnh (Q.1) sau khi bị cháy đã được xây dựng lại khu chợ tạm, nhưng phần lớn tiểu thương đều không mặn mà buôn bán trong nhà lồâng chợ, nên dồn ra đường Bến Chương Dương, Nguyễn Thái Học. Chất thải từ nước cá, rác từ các loại rau, trái cây hư thối đều đổ ra mặt đường chất thành hàng đống, hôi thối, tanh tưởi đến ngộp thở. Theo ban quản lý chợ thì không thể nào quản được bà con tiểu thương vì chợ sắp bị giải tỏa. Tương tự, chợ Mai Xuân Thưởng (quận 6) cũng nằm trong tình trạng giải tỏa khi mà các chợ đầu mối hình thành. Bà con buôn bán tại chợ cũng đua nhau chiếm dụng lòng đường làm nơi kinh doanh. Mặt đường không còn chỗ nào được nguyên vẹn, nhiều đoạn đầy “ô trâu”, “ổ voi”, cát đá văng tung tóe khi có xe tải di chuyển. Nhiều đoạn cống bị hư hại nặng, không thoát được nước. Còn mùa mưa chỗ nào cũng bị ngập lầy lội, rác trôi lều phều...
LONG GIANG - MINH CƯỜNG
Bình luận (0)