Càng tập càng... tăng cân!
Bác sĩ Phan Vương Huy Đổng, Tổng Thư ký Hội Y học TDTT TPHCM
Tập giữa trưa nắng, dễ mất nước, rối loạn điện giải
Tennis là môn thể thao không đòi hỏi sức mạnh quá mức nhưng phải vận động liên tục, vì vậy cách chơi đối với từng người cũng phải khác nhau. Chơi để giữ sức khỏe khác với tập để thi đấu, người trẻ chơi với cường độ khác người già. Không riêng gì tennis, mà với những môn thể thao ngoài trời, nếu chơi giữa trưa nắng thì dễ dẫn đến say nắng, mất nước, rối loạn điện giải. Lâu dài, người chơi chẳng những không tăng thể lực mà càng mệt mỏi thêm. Chưa kể rối loạn điện giải còn dẫn đến vọp bẻ, tổn thương cơ... Bên cạnh đó, sau khi vận động, cơ thể đổ nhiều mồ hôi gây mất nước và vitamin B, uống rượu, bia là lựa chọn sai lầm. Vì rượu, bia là chất cồn, gây lợi tiểu làm mất điện giải, gia tăng nguy cơ tổn thương. |
Bác sĩ dinh dưỡng Đào Thị Yến Phi, Trung tâm Đào tạo và Bồi dưỡng Cán bộ Y tế TPHCM, cho biết mỗi ngày chị có nhiều bệnh nhân đến khám và yêu cầu lên thực đơn giảm cân. Trong đó, có nhiều người thắc mắc vì sao càng chơi thể thao thì càng tăng ký. Theo bác sĩ Yến Phi, tập thể thao làm tiêu hao năng lượng thật. Nhưng không phải vì thế sau khi tập thì có quyền ăn uống vô tư. Năng lượng cho vào nhiều hơn năng lượng mất đi, lên cân là chuyện đương nhiên.
Tập không đúng, tính mạng có thể bị đe dọa
Theo PGS-TS Nguyễn Hoài Nam, giảng viên Đại học Y Dược TPHCM, nhận định về phương diện y học, điều quan trọng nhất trong tập luyện thể thao là phải chọn môn chơi phù hợp với giới tính, tuổi tác và thể tạng. Những môn tập đòi hỏi thể lực nhiều, liên tục như tennis rất tốn sức nên chỉ phù hợp với giới trẻ. Nhưng ở nước ta hiện nay, chơi môn tennis chủ yếu lại là người trung niên, bụng phệ. Ở độ tuổi này, sự vận động quá sức đôi khi gây phản tác dụng, gây chấn thương hoặc nặng hơn là dẫn đến tử vong. Ở nước ta, việc tham gia hoạt động thể thao thường theo ý thích cá nhân và tùy tiện. Hầu hết không ai nghĩ đến việc phải khám sức khỏe tổng quát trước khi chơi, đặc biệt là khám tim mạch. Bác sĩ Hoài Nam nói: “Thỉnh thoảng chúng tôi có nghe một vài người chơi đã gục ngã trên sân vì nhồi máu cơ tim, một số khác thì than đau nhức vai, cánh tay và các khớp chân vì những chấn thương nhỏ xảy ra liên tục do chọn môn thể thao không đúng”.
6 điều cần lưu ý khi tập luyện thể thao 1) Cần nắm được tình trạng sức khỏe của mình trước khi quyết định chơi một môn thể thao. Người mắc bệnh tim mạch thì phải hết sức cẩn thận, bởi khi tập luyện tuần hoàn, hô hấp sẽ tăng lên, dễ dẫn đến đột quỵ trên sân. Tốt nhất nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi tập. 2) Nam giới trên 45 tuổi và phụ nữ trên 55 tuổi có nguy cơ chấn thương trong tập luyện thể thao cao hơn, do vậy không nên tập dồn mà cần tăng dần lượng vận động cho phù hợp. 3) Lựa chọn trang phục và dụng cụ tập luyện phù hợp cho từng môn, đặc biệt lưu ý đến giày, vì mang giày không phù hợp thì dễ dẫn đến chấn thương. 4) Trước khi tập, cần khởi động cẩn thận. Trong khi tập, cần chú ý đến khối lượng, nhẹ quá hoặc nặng quá đều không tốt. Sau khi tập, cần thả lỏng để cơ thể dần dần hồi phục lại bình thường. 5) Cần lưu ý đến môi trường tập, thời tiết nóng ẩm sẽ làm cơ thể mất nước nhiều, nên phải quan tâm đến việc bù nước ngay, có chế độ dinh dưỡng phù hợp với chế độ tập luyện. 6) Sau một thời gian ngừng chơi, khi chơi lại thì chỉ hoạt động nhẹ nhàng để cơ thể quen dần với cường độ hoạt động, sau đó tăng dần cường độ. N.P (Ghi theo ý kiến của TS Chung Tấn Phong – Sở TDTT TPHCM) |
Bình luận (0)