Nam bệnh nhân 60 tuổi được phát hiện ung thư khoang miệng từ những vết loét
Bác sĩ Nguyễn Thanh Thái, Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình hàm mặt, BV Việt Nam - Cu Ba (TP Hà Nội), ngày 9-3 cho biết các bác sĩ tại đây vừa phẫu thuật và tạo hình khoang miệng cho một nam bệnh nhân bị ung thư khoang miệng. Bệnh nhân là L.V.T. (60 tuổi ở huyện Thường Tín, Hà Nội).
Theo lời kể của bệnh nhân, ông bị nghiện thuốc lá từ khá lâu nhưng thời gian gần đây tần suất hút thuốc lá của ông tăng lên 1 bao/ngày. Cách đây hơn 4 tháng, ông T. thấy trong miệng có vết loét nhỏ, hơi gợn trong miệng nhưng không đau nên ông T. nghĩ rằng mình bị nhiệt miệng nên chỉ mua mấy loại vitamin để bổ sung, không điều trị gì.
Khoảng 2 tháng gần đây, vùng bị loét dày, to lên nhanh và hơi cứng nên bệnh nhân đã đến bệnh viện huyện kiểm tra. Bệnh nhân được bác sĩ kê đơn thuốc uống trong 10 ngày nhưng tình trạng loét miệng vẫn không đỡ. Cuối tháng 2-2019, bệnh nhân tới khám tại BV Việt Nam - Cu Ba (Hà Nội) và được phát hiện bị ung thư khoang miệng giai đoạn 3.
Bác sĩ Hoàng Phong Mỹ, Khoa Phẫu thuật Tạo hình hàm mặt, BV Việt Nam - Cu Ba, cho biết khi đến viện, khối u ở má trái của bệnh nhân T. đã to 3-4 cm. Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật để vét khối u trong khoang miệng, đồng thời cắt tuyến dưới hàm. Bệnh nhân được tạo hình vùng khoang miệng và má bằng một vạt da tự thân ở vùng đùi. Theo đó, các bác sĩ đã lấy vạt tự do má ngoài đùi phẫu tích, nối vi phẫu lên vùng má vừa bị cắt u để giúp bệnh nhân có thể ăn uống, nói chuyện và hoà nhập cộng đồng. Diện tích miếng da lên tới 12x8 cm. Ca phẫu thuật kéo dài 6 tiếng đồng hồ.
Theo bác sĩ Thái, sau 1 tuần phẫu thuật, sức khoẻ bệnh nhân tiến triển tốt, vạt da mới hoà hợp với cơ thể, bệnh nhân có thể ăn uống, nói chuyện. Dự kiến, bệnh nhân sẽ được xuất viện trong tuần tới. Sau khi sức khoẻ bệnh nhân ổn định, sau 3-6 tháng nữa sẽ quay lại bệnh viện để tái tạo lại viền môi.
Giới chuyên môn cho biết hiện cơ chế gây ung thư khoang miệng (gồm lưỡi, lợi, niêm mạc má, sàn miệng, môi...) chưa rõ ràng, tuy nhiên theo thống kê có tới 75% các trường hợp ung thư khoang miệng có liên quan đến hút thuốc lá, kể cả hút thuốc lá bị động (hít phải khói thuốc) và là các trường hợp lạm dụng rượu bia.
Ngoài ra, các bác sĩ cũng ghi nhận số mắc ung thư khoang miệng gặp nhiều ở người có thói quen ăn trầu, người bị tổn thương mãn tính, hoặc người có tiền sử gia đình bị ung thư... "Ung thư khoang miệng cũng là bệnh dễ chẩn đoán và cho tiên lượng điều trị rất tốt ở giai đoạn sớm, bệnh nhân có thể khỏi hoàn toàn sau phẫu thuật. Tuy nhiên, rất ít trường hợp được phát hiện ở giai đoạn đầu bởi người bệnh hay nhầm lẫn là mắc nhiệt miệng hoặc loét miệng nên chủ quan không điều trị sớm. Vì thế, nếu thấy tình trạng loét miệng kéo dài 2-3 tuần nhưng điều trị vẫn không khỏi hoặc có u cục trong miệng, cần đến cơ sở y tế để được thăm khám"- bác sĩ Thái khuyến cáo.
Bình luận (0)