Đó là tuy ngành y đã và đang có nhiều bước tiến nhảy vọt về kỹ thuật chẩn đoán, đội ngũ thầy thuốc lớn mạnh, ngành dược không ngừng phát triển nhưng bệnh mạn tính, bệnh thời đại như cao huyết áp, đái tháo đường, thấp khớp, dị ứng, viêm gan… vẫn tiếp tục chiếm thế thượng phong.
Kết quả thống kê ở nhiều nước châu Âu như Thụy Sĩ, Thụy Điển, Đức, Áo… cho thấy di chứng nghiêm trọng của bệnh mạn tính, hậu quả của độc tính thuốc hóa chất tổng hợp, tình trạng lệ thuộc thuốc đặc hiệu chỉ tăng chứ không giảm. Tổ chức Y tế thế giới khẳng định không dưới 70% bệnh mạn tính sở dĩ bột phát và kéo dài vì sức đề kháng của bệnh nhân đã bị bào mòn hoặc vì lý do từ môi trường ô nhiễm: độc chất sinh ung thư trong khói thuốc lá, khói xăng dầu, chất thải công nghệ, hóa chất nông nghiệp, hóa chất gia dụng, phụ gia trong thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm… hoặc vì nguyên nhân nội tại từ phế phẩm ôxy hóa sản sinh từ rối loạn biến dưỡng hay tệ hơn nữa là từ nếp sinh hoạt ngày đêm đồng hành với stress. Càng xa rời thiên nhiên càng đi ngược với quy luật của thiên nhiên, tế bào - đơn vị của sự sống - càng mau già trước tuổi càng dễ biến thể thành tế bào ung thư. Các nhà nghiên cứu về lão khoa đã không quá lời khi quả quyết con người đáng lý có thể sống thọ dễ dàng hơn trăm tuổi nếu có cách nào trung hòa độc chất ôxy hóa đang bủa vây tứ phương, đồng thời “tiếp tế” đúng lúc cho tế bào bằng dưỡng chất sinh học, sinh tố kháng ôxy hóa, khoáng tố vi lượng…
Ngành y rõ ràng thừa khả năng đẩy lùi nhiều bệnh chứng nghiêm trọng, nhất là bệnh cấp tính, bệnh bội nhiễm, bệnh ngoại khoa, bệnh cấp cứu với liệu pháp đặc hiệu theo nguyên tắc bệnh đâu chữa ngay đó. Nhưng nghịch lý vẫn tồn tại là số bệnh nhân tăng chứ không giảm. Tỉ lệ di chứng của căn bệnh nghiêm trọng như tai biến mạch máu não vì cao huyết áp; mù mắt, đoạn chi vì bệnh đái tháo đường, nhất là bệnh ung thư, vẫn tiếp tục tăng. Thực tế đó là động lực để càng lúc càng có nhiều thầy thuốc trở về với nguyên tắc chữa bệnh tận gốc rễ.
Muốn chữa tận gốc rễ tất nhiên phải gắn liền với cấu trúc của thành phần được thầy thuốc đặt tên là đơn vị của sự sống, của tế bào. Trong bệnh nào cũng thế, dù tâm hay thể, vấn đề cốt lõi là làm sao cho tế bào đừng bị biến thể vì độc chất ôxy hóa chực chờ từng cơ hội trong môi trường ô nhiễm, từ phế phẩm của rối loạn biến dưỡng.
Nếu chỉ dựa vào nguồn cung ứng từ chất đạm động vật thì cơ thể sớm muộn phải đối mặt với gánh nặng triền miên cho các cơ quan giải độc trọng yếu như lá gan, trái thận, khung ruột, tụy tạng với nhiều hậu quả nhiêu khê như tăng mỡ máu, bệnh gút… Thực trạng đó đã là động cơ để nhà điều trị tìm về giải pháp với chất đạm gốc thực vật, chính xác hơn là với tập thể axít amin trong dược liệu thiên nhiên, như trong đầu nành, spirulina…
Từ kết quả của nghiên cứu theo tiêu chí thực nghiệm khách quan và hiệu quả thực tế trên lâm sàng, “Axít amin liệu pháp” đã thành hình và từng bước trở thành nhân tố quan trọng trong phác đồ điều trị bệnh mạn tính. Nhiều bệnh chứng trầm kha được cải thiện bất ngờ mà không cần tăng thuốc đặc hiệu sau khi nhiều loại axít amin được kết hợp trong phác đồ điều trị.
Bình luận (0)