Ai ngoài ngành nhìn vào cũng thấy đó là những vấn đề nan giải nhưng phải khó như vậy mới cần đến tài năng của tư lệnh ngành và đội ngũ chuyên gia, cán bộ giúp việc. Vậy mà trả lời chất vấn trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 1-4, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến buông lời “nhẹ như lông hồng”: Ngành y chưa biết lúc nào hết tiêu cực!
Ngành y tồn tại nhiều vấn đề nóng
“Có khám chữa bệnh là có thể xảy ra biến chứng, thậm chí tử vong, mấy trăm năm nữa vẫn chưa thể hết. Còn làm thì còn sai sót” - bà Tiến khẳng định. Nói kiểu đó ai cũng nói được. Vậy thì để những điều nhức nhối ấy chấm dứt, chỉ có cách duy nhất là người dân đừng mắc bệnh!
Không ai chê trách nỗ lực của ngành y tế những năm qua, chỉ có điều vì sao ngành y càng cố gắng thì tiêu cực trong ngành càng nảy sinh. Điều người dân mong mỏi là phải hạn chế thấp nhất tệ trạng đó, chứ nếu chấp nhận “mấy trăm năm nữa cũng chưa hết” thì họ phải đóng thuế để nuôi cả bộ máy ngành y làm gì?
Ở một số quốc gia tiến bộ, mỗi khi trong ngành có vụ bê bối nghiêm trọng là bộ trưởng lên tiếng xin nhận trách nhiệm, xin lỗi công chúng, thậm chí từ chức. Còn ở ta, không chỉ ngành y mà nhiều ngành “chưa biết lúc nào hết tiêu cực”, nếu người đứng đầu ngành nào cũng từ chức cả thì không chừng sẽ thiếu hụt bộ trưởng nghiêm trọng!
Từ y tế, nhìn sang công thương, thấy cách giải quyết những vấn đề nóng trong ngành này cũng chưa ổn. Cũng tại buổi giải trình nói trên, về chuyện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hạch toán nhiều công trình ngoài luồng vào giá điện, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng nói “chỉ có Nhiệt điện Phú Mỹ 1 hạch toán các hạng mục công trình này vào giá điện với số tiền không lớn, chỉ 1,5-3 tỉ đồng/năm”; về đầu tư ngoài ngành, “chỉ có 2.000 tỉ đồng đầu tư vào chứng khoán, bảo hiểm, ngân hàng đang được EVN thoái vốn dần đến năm 2015”. Và vì ít như thế cho nên thấy “cũng hợp lý” (?!).
Mấy ngàn tỉ đồng mà bộ trưởng dùng từ “chỉ” nhẹ hều! Có thể số tiền ấy với cả công trình thì không lớn, nhưng với tuyệt đại đa số người dân thì có mơ cả đời, thậm chí nhiều đời, vẫn không thấy. Cũng phải nhớ rằng nợ công của cả nước đang vượt mức 80 tỉ USD, mỗi người dân đang gánh nợ gần 900 USD. Phải biết “của đau, con xót”, chứ cứ nhận thức vấn đề theo kiểu ấy thì cũng sẽ “chưa biết khi nào hết tiêu cực”!
Chỉ khi nào người đứng đầu ngành thật sự xem chuyện của dân là chuyện của mình, biết đo lòng dân thì mới thấy được trọng trách và hành động khác. Đối với chính khách, lời dặn của Phạm Trọng Yêm - một nhà chính trị thời Bắc Tống (Trung Quốc) - đến nay vẫn nguyên giá trị: “Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc” (Lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ).
Bình luận (0)