Trước diễn biến phức tạp của bệnh tay chân miệng (TCM), chiều 20-8, Bộ Y tế đã tổ chức họp trực tuyến bàn biện pháp ứng phó. Dù số ca mắc và tử vong do TCM tiếp tục tăng nhanh trong tuần qua nhưng các địa phương có số mắc TCM cao đều tỏ ra lạc quan khi nói rằng “chưa đến mức phải công bố dịch”.
Vẫn kiểm soát được
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Y tế, trong tuần qua có trên 2.200 ca mắc TCM tại 50 tỉnh, thành, số mắc cũng cao tương đương 4 tuần trước đó. Tuy nhiên, tại cuộc họp trực tuyến, cả 9 địa phương có số bệnh nhân mắc TCM cao gồm: TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Tháp, Thanh Hóa, Hà Nội... đều khẳng định bệnh đang trong chiều hướng giảm, kiểm soát được nên chưa đến mức công bố dịch.
Đại diện một trong những địa phương có số mắc cao nhất khu vực phía Nam là Bà Rịa - Vũng Tàu, lập luận số mắc TCM ở tỉnh này hiện đã tăng 20 lần so với cùng kỳ 2010, đến ngưỡng của điều kiện thứ nhất để công bố dịch. Tuy nhiên, các nguy cơ chuyển thành dịch đang kiểm soát được nên chưa đến lúc phải công bố dịch. Tỉnh Đồng Nai có 3.448 ca mắc TCM kể từ đầu năm đến nay. Đại diện tỉnh này cũng khẳng định số ca mắc TCM đang giảm và chưa có chủ trương công bố dịch.
Khu vực phía Bắc, Thanh Hóa hiện đứng đầu các ca mắc TCM. Đến ngày 19-8 đã ghi nhận 934 bệnh nhân, cao điểm nhất có ngày địa phương này ghi nhận tới 98 ca mắc tại 19 xã, phường. Hiện số mắc TCM đã giảm còn khoảng 10 ca mắc/ngày. Trao đổi trực tuyến, ông Đặng Văn Chính, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cũng tin tưởng vào khả năng kiểm soát bệnh TCM của địa phương này. PGS-TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, khẳng định với diễn biến dịch tễ TCM như hiện nay thì chưa đủ điều kiện công bố dịch.
Chưa làm tốt tuyên truyền
Sau khi nghe các địa phương báo cáo tình hình dịch, Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn kết luận: “Thời điểm này chưa công bố dịch TCM ở các địa phương. Bệnh đã được khống chế”. Báo cáo của 9 tỉnh, thành đều thể hiện số mắc TCM tăng cao nhất ở tuần 25, hiện đang sang tuần thứ 33 và đang có xu hướng giảm dần.
Cũng theo ông Huấn, các nghiên cứu tại nước ngoài cho thấy 52% số ca mắc TCM do tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân, 41% lây từ mẹ sang con. Còn tại Việt Nam, khoảng 80% ca mắc tại cộng đồng chứng tỏ bệnh chủ yếu lây từ người lớn, đặc biệt từ những người chăm sóc trẻ. Vì thế, để tránh lây nhiễm, công tác vệ sinh, tẩy rửa nền nhà, đồ chơi của trẻ… rất quan trọng. Tuy nhiên, ông Huấn thừa nhận thời gian qua công tác tuyên truyền chưa được làm tốt, chưa đến được với từng hộ gia đình. Nhiều cán bộ khi đến hộ gia đình hỏi thì nhiều người không biết bệnh TCM là gì.
Ông Huấn chỉ đạo các địa phương phải quyết liệt dập bệnh và khuyến cáo nếu không chú trọng tăng cường tuyên truyền, nâng cao hiểu biết cho người dân thì bệnh TCM vẫn có thể còn diễn biến phức tạp, số mắc TCM sẽ có nguy cơ tăng cao, lan rộng trong thời gian tới và cả năm 2012.
Minh bạch báo cáo bệnh tay chân miệng Tại cuộc họp nói trên, Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn yêu cầu trước ngày 25-8, các địa phương phải gửi kế hoạch phòng chống bệnh TCM cụ thể, phân công rõ trách nhiệm. Cục Y tế dự phòng báo cáo ngay những địa phương không gửi kế hoạch, không minh bạch số mắc, số tử vong do bệnh TCM, báo cáo hằng tuần cho Thủ tướng. |
Bình luận (0)