Các bác sĩ đã phải nhanh chóng can thiệp, cắt bỏ đoạn thực quản teo rồi mang dạ dày lên nối vào phần thực quản vừa bị cắt.
Bác sĩ Đào Trung Hiếu, Phó Giám đốc bệnh viện Nhi Đồng 1 vừa trực tiếp tham gia ca đại phẫu cho biết, trường hợp dị tật đường tiêu hóa này hiếm thấy, bởi đoạn teo thực quản của bệnh nhi quá dài lại bị rò rỉ sang ống khí quản. "Nếu không kịp phẫu thuật, cháu bé có thể bị tử vong do viêm phổi cấp", bác sĩ Hiếu nói.
Cũng theo bác sĩ Hiếu, teo thực quản là một dị tật bẩm sinh của đường tiêu hóa. Tùy từng trường hợp cụ thể mà việc can thiệp, phẫu thuật cắt nối thực quản cũng khác nhau. Phần thay thế đoạn teo bị cắt đi thường được lấy từ dạ dày, hay ruột già... Riêng trường hợp cháu Nguyên, do đoạn thực quản bị teo quá dài nên dạ dày được chuyển luôn lên lồng ngực để nối với phần thực quản vừa bị cắt.
Bằng cách làm này, dạ dày đã trở thành một phần của ống thực quản, thức ăn qua đó sẽ xuống ruột non. Theo các bác sĩ chuyên khoa, phương pháp điều trị này cho tỷ lệ thành công cao và không ảnh hưởng đến sức khỏe khi trưởng thành của bệnh nhân.
10 ngày sau khi phẫu thuật, sức khỏe của bệnh nhi đã được cải thiện, tình trạng sùi bọt cua ở miệng cũng không còn.
Đã có nhiều trường hợp bệnh nhân được phẫu thuật nối dạ dày với thực quản, nhưng đây là lần đầu tiên Bệnh viện Nhi Đồng 1 phẫu thuật chuyển vị dạ dày lên lồng ngực để điều trị teo thực quản ở trẻ sơ sinh.
Theo các bác sĩ chuyên khoa, để bảo vệ tính mạng những trẻ bị teo thực quản, điều quan trọng nhất là phải phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh. Triệu chứng đầu tiên là miệng trẻ ứa ra nhiều bọt hình bong bóng do không nuốt được nước bọt. Ngoài ra, trẻ còn có những biểu hiện như trớ sữa, thở khó.
Bệnh cũng có thể được chẩn đoán trong 2-3 tháng cuối của thai kỳ, bằng phương pháp siêu âm. Bà mẹ mang bầu to, nhiều nước ối, trẻ càng có nguy cơ mắc bệnh này. Khi ấy phẫu thuật sớm sẽ giúp trẻ tránh được biến chứng viêm phổi.
Bình luận (0)