Một trong những điểm nhấn của ngành BHXH trong kế hoạch chuyển đổi số là ứng dụng VssID-BHXH số. Từ khi ra mắt tháng 11-2020 đến nay, ứng dụng đã không ngừng được cải tiến, nâng cấp.
Nhiều tính năng đột phá trên VssID
Hiện ứng dụng có rất nhiều tính năng, tiện ích phục vụ linh hoạt các nhu cầu thông tin thiết yếu của người tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT như: cung cấp các thông tin về thẻ BHYT; quá trình tham gia BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, BHYT; thông tin hưởng các chế độ một lần (ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp); sổ khám chữa bệnh (KCB) cung cấp lịch sử KCB BHYT của người tham gia... Cùng với đó, VssID còn cung cấp các tiện ích tra cứu: Mã số BHXH; cơ quan BHXH; cơ sở KCB ký hợp đồng KCB BHYT; cơ sở KCB cấp giấy nghỉ hưởng chế độ BHXH; đơn vị tham gia BHXH; điểm thu, đại lý thu BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình; cấp lại thẻ BHYT do hỏng, mất; chuyển địa bàn hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH; thay đổi hình thức lĩnh hoặc thông tin người hưởng BHXH…
Để tiếp tục nâng cao chất lượng người dùng, nhất là trong tình hình dịch bệnh, ông Lê Nguyên Bồng, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin - BHXH Việt Nam, cho biết trong thời gian tới, trung tâm lên kế hoạch tích hợp thêm 3 tính năng mới rất hữu ích trên ứng dụng VssID gồm: thực hiện đăng ký tài khoản trực tuyến qua công nghệ eKYC; liên kết ví điện tử/tài khoản ngân hàng; đóng BHXH, BHYT, BHTN bằng tài khoản định danh và mã QR.
Nhân viên BHXH hướng dẫn người dân sử dụng ứng dụng VssID
Với công nghệ eKYC, để đăng ký tài khoản VssID, người dùng sẽ không cần phải đến xác nhận tại cơ quan BHXH như hiện nay. Theo đó, người dùng chụp ảnh căn cước công dân hoặc CMND hoặc hộ chiếu của mình, sau đó quay lại gương mặt và điền thêm một số thông tin cơ bản khác. Công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ so sánh hình ảnh của người dùng và ảnh trên giấy tờ tùy thân để xác nhận dữ liệu có đúng hay không. Với eKYC, việc định danh khách hàng diễn ra nhanh chóng, độ chính xác cao do công nghệ nhận dạng, so khớp sinh trắc hình ảnh hiện rất phát triển giúp cung cấp trải nghiệm liền mạch, thoải mái và tiện lợi hơn cho khách hàng. eKYC giúp tăng sự hài lòng của khách hàng và bảo đảm khách hàng có thể sử dụng dịch vụ ngay khi hoàn tất đăng ký trực tuyến mà không cần tiếp xúc trực tiếp.
Đặc biệt, với việc liên kết ví điện tử, tài khoản ngân hàng cá nhân và doanh nghiệp vẫn có thể thực hiện việc đóng BHXH, BHYT, BHTN trên hệ thống điện tử mà không cần phải đến cơ quan BHXH để thực hiện công việc này. Người dùng thực hiện nộp trực tuyến đóng tiếp BHXH tự nguyện và tham gia BHYT theo hộ gia đình trên ứng dụng VssID, ngay khi nhận được tiền thanh toán (về phần mềm kế toán tập trung), hệ thống của BHXH Việt Nam sẽ tự động ghi nhận quá trình tham gia BHXH tự nguyện và cấp thẻ BHYT cho người tham gia (trên phần mềm Quản lý thu, sổ thẻ), giúp tiết kiệm thời gian và giảm các sai sót, rủi ro do cán bộ BHXH không phải thực hiện thủ công, qua đó, bảo đảm quyền lợi của người tham gia. Đồng thời hỗ trợ người dân trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay.
Đi trước "một bước"
Theo ông Lê Nguyên Bồng, ngành BHXH Việt Nam đã đi trước một bước về công tác chuyển đổi số tuy nhiên cần phải tiếp tục rà soát để hoàn thiện và thực hiện theo các lộ trình của kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và chuyển đổi số của ngành giai đoạn 2021-2025. Vừa qua, BHXH Việt Nam đã có công văn gửi BHXH các địa phương đề nghị phối hợp chia sẻ dữ liệu từ cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về bảo hiểm qua trục NGSP của Bộ Thông tin và Truyền thông phục vụ nhu cầu cấp bách của việc phòng chống dịch Covid-19, trong thời gian chờ ban hành quy chuẩn, tiếp tục hoàn thiện. Trong thời gian tới, BHXH Việt Nam tham mưu Chính phủ, các bộ để đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành CSDL quốc gia về bảo hiểm.
Theo lãnh đạo BHXH Việt Nam, tình hình dịch bệnh, xu hướng ứng dụng CNTT vào đời sống xã hội đang được đẩy mạnh. Ngành BHXH Việt Nam cũng cần đẩy mạnh hơn nữa công tác ứng dụng CNTT, chuyển đổi số, hoàn thiện CSDL. Các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam cần chủ động trong xây dựng lộ trình chuyển đổi số. Trước mắt, cần tập trung xây dựng, hoàn thiện CSDL của ngành, CSDL quốc gia về bảo hiểm vì đây là nền tảng cho việc chuyển đổi số, triển khai các dịch vụ công cấp độ 4; phát triển ứng dụng, phần mềm thông minh...
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh nhận định chuyển đổi số là xu thế tất yếu hiện nay, vì vậy toàn thể ngành BHXH Việt Nam phải nhận thức rõ về chuyển đổi số, các nội dung chuyển đổi số, cách thức chuyển đổi số phù hợp với nhiệm vụ ngành đang triển khai. Trong đó, ưu tiên những vấn đề trọng tâm như xây dựng CSDL quốc gia về bảo hiểm; những nội dung kỹ thuật mới như liên kết tài khoản, về thanh toán, về eKYC... "Đối với việc kết nối, chia sẻ với CSDL quốc gia về dân cư của Bộ Công an, ngành BHXH Việt Nam được đánh giá là đi đầu. Hiện đã có gần 10 triệu người được đối chiếu, xác thực thông tin giữa CSDL của ngành BHXH Việt Nam và CSDL Quốc gia về dân cư. Trên cơ sở đó, trong thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục chủ động, lan tỏa, trong đó hướng đến việc ký kết Quy chế phối hợp toàn diện với Bộ Công an để hai bên tiếp tục chia sẻ, liên thông dữ liệu trên cơ sở bảo đảm tính pháp lý cũng như an toàn, bảo mật dữ liệu thông tin cá nhân" - ông Mạnh nói.
Liên quan việc ứng dụng các công nghệ mới trên ứng dụng VssID, ông Nguyễn Thế Mạnh đề nghị các đơn vị chuyên môn rà soát lại cơ sở pháp lý; bảo đảm nguyên tắc thống nhất, an toàn, bảo mật. Đồng thời tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu những công nghệ mới trong thanh toán, liên kết tài khoản... tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người tham gia trong đóng nộp, thụ hưởng các chính sách BHXH, BHYT.
Bình luận (0)