xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cơ chế thoáng cho khám chữa bệnh theo yêu cầu

NHÓM PHÓNG VIÊN

Việc ban hành giá khám chữa bệnh theo yêu cầu không chỉ chấm dứt tình trạng "loạn giá" mà còn tạo cơ hội cho bệnh viện công có nguồn lực tài chính để đãi ngộ, động viên cán bộ nhân viên an tâm công tác

Từ nhiều năm nay, các bệnh viện trong cả nước đã triển khai dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu. Tuy nhiên, do chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể nên mỗi nơi một giá. Thông tư 13/2023/TT-BYT về khám chữa bệnh theo yêu cầu có hiệu lực từ ngày 15-8-2023 sẽ hạn chế tình trạng "loạn giá" lâu nay. Theo thông tư này, dải giá được Bộ Y tế cho phép thực hiện tối đa đến 500.000 đồng/lần khám.

Nhiều mức giá để người bệnh lựa chọn

Theo khảo sát của phóng viên, mức giá khám theo yêu cầu hiện nay ở các bệnh viện trên địa bàn TP Hà Nội từ 300.000 - 600.000 đồng/lượt. Tại Bệnh viện Nội tiết trung ương, mức giá khám giáo sư, phó giáo sư là 500.000 đồng; khám tiến sĩ hoặc bác sĩ chuyên khoa II là 400.000 đồng; khám thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa I là 300.000 đồng, khám theo yêu cầu thông thường là 200.000 đồng. Mức giá này cũng phổ biến tại hai bệnh viện Việt Đức và Mắt Trung ương.

Trong khi đó, PGS-TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cho biết giá khám chữa bệnh theo yêu cầu bởi các giáo sư, phó giáo sư là 150.000 đồng/lượt; giá khám với tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa II là 120.000 đồng; thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa I là 70.000 đồng. Theo PGS Cơ, mức giá yêu cầu như hiện tại bệnh viện đang áp dụng khá thấp khiến việc thu hút nhân sự chất lượng cao khó khăn và không thể phát triển các dịch vụ nhằm thu hút bệnh nhân có nhu cầu, đòi hỏi về dịch vụ chất lượng cao. Hiện bệnh viện nghiên cứu để điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh yêu cầu phù hợp theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế.

"Thông tư 13 đã tạo cơ chế mở cho các bệnh viện vì không quy định cố định giá mà có dải giá để các bệnh viện căn cứ vào điều kiện của mình, nhu cầu của người bệnh để xây dựng giá cho phù hợp. Bệnh viện Bạch Mai sẽ không áp dụng đồng loạt giá cao mà có nhiều dải giá để người dân lựa chọn" - PGS Cơ thông tin.

Giải bài toán tài chính cho bệnh viện công

Tại TP HCM, nhiều bệnh viện cho biết cũng đang xây dựng khung giá khám chữa bệnh theo yêu cầu như hướng dẫn của Thông tư 13.

Thạc sĩ - bác sĩ chuyên khoa 2 Hồ Hữu Đức, Phó Phòng Kế hoạch Tổng hợp Bệnh viện Thống Nhất, cho hay lâu nay bệnh viện chỉ thu 150.000 đồng cho một lần khám đối với Khoa Dịch vụ (đầy đủ các chuyên khoa). Bệnh viện hiện chưa có phòng khám chuyên gia nhưng có cơ chế bệnh nhân được quyền chọn lựa chuyên gia, bác sĩ nào khám trực tiếp cho mình tại khoa và mức thu là 300.000 đồng/lần.

Cơ chế thoáng cho khám chữa bệnh theo yêu cầu - Ảnh 1.

Bệnh nhân khám bệnh tại Bệnh viện Chợ Rẫy Ảnh: NGUYỄN THẠNH

Theo bác sĩ Đức, Bệnh viện Thống Nhất đang triển khai cho các khoa rà soát cơ sở vật chất, nhân lực để tự đưa ra mức thu cụ thể. Tuy nhiên, mức thu phải nghiên cứu làm sao phù hợp với từng đơn vị, từng đối tượng bệnh nhân để không lạm thu hoặc thu quá cao làm người bệnh không hưởng các dịch vụ y tế. "Đây chỉ mới bước đầu xây dựng chứ chưa áp dụng ngay được. Cần có khảo sát cụ thể để đưa ra mức thu phù hợp vì có thể tăng giá sẽ làm ảnh hưởng đến người bệnh" - BS Đức nhận định.

Trong khi đó, tại Bệnh viện Chợ Rẫy - nơi có lượng bệnh nhân khám theo yêu cầu mỗi ngày khá đông, các quy trình, thủ tục thực hiện theo hướng dẫn của Thông tư 13 đang từng bước triển khai. BS Phạm Thanh Việt, Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp Bệnh viện Chợ Rẫy, thông tin: Bệnh viện đang xây dựng khung giá khám chữa bệnh theo yêu cầu như hướng dẫn của Bộ Y tế, làm xong tới đâu sẽ áp dụng tới đó.

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố, cho biết tại bệnh viện, số giường dịch vụ chiếm 15%-20%, mức giá khám theo yêu cầu từ 150.000 đồng đến 200.000 đồng/lượt, giường nội trú từ 190.000 đồng đến 700.000 đồng/giường. Một số loại dịch vụ kỹ thuật cao rơi vào khoảng 95.000 đồng đến 9.500.000 đồng. Bác sĩ Tiến cho rằng việc có quy định mức giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu giúp bệnh viện mạnh dạn đầu tư trang thiết bị vật chất, từ đó tăng nguồn thu. "Qua đó rút ngắn khoảng cách chênh lệch thu nhập giữa bệnh viện tư và công, giữ chân được nhân viên y tế ở lại bệnh viện công" - bác sĩ Tiến nói.

Đồng quan điểm, bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức, TP HCM), nói Thông tư 13 không chỉ là cơ sở pháp lý để các cơ sở y tế triển khai dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu trong khuôn khổ mà còn góp phần giải quyết khó khăn về tài chính cho bệnh viện, từ đó có chế độ đãi ngộ nhân viên y tế phù hợp để giữ chân họ.

Minh bạch để hạn chế bất công, bất cập

Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết việc thống nhất về giá khám theo yêu cầu, nếu cơ sở nào thu cao hơn sẽ phải điều chỉnh giảm giá. Đối với các dịch vụ kỹ thuật y tế, các cơ sở đang sử dụng tài sản công, để hoạt động dịch vụ theo yêu cầu và có số giường bệnh theo yêu cầu cao hơn 20% tổng số giường bệnh thì phải giảm số giường này. Ngoài ra, sử dụng tỉ lệ thời gian chuyên gia, bác sĩ giỏi khám chữa bệnh yêu cầu không quá 30%.

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến nhận xét quy định trên hợp lý bởi bệnh viện công cần phục vụ cho bệnh nhân dùng bảo hiểm y tế, không thể vì bệnh nhân không có tiền sử dụng dịch vụ mà chất lượng điều trị sẽ bị giảm đi.

Bác sĩ Trần Văn Khanh nhấn mạnh xây dựng khung giá dịch vụ không chỉ đầu tư cơ sở vật chất mà còn hướng đến nâng cao chất lượng điều trị, phục vụ bệnh nhân tốt nhất. Bác sĩ Khanh cũng cho rằng Thông tư 13 khi áp dụng sẽ không ảnh hưởng đến người bệnh sử dụng thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) và người không có thẻ BHYT nhưng không đăng ký tự nguyện sử dụng các dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu. Do đó, các cơ sở y tế phải phân biệt rõ ràng các đối tượng và phải minh bạch, công khai giá.

Một bác sĩ công tác tại bệnh viện tuyến trung ương cho biết có thể nhu cầu sử dụng 100% các dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu không cao, chỉ khoảng 10% nhưng nhu cầu khám theo yêu cầu và sử dụng một phần dịch vụ theo yêu cầu cực kỳ lớn. Tại bệnh viện hạng 1 và bệnh viện tuyến cuối, mỗi ngày đón tiếp từ vài trăm đến vài ngàn lượt khám bệnh theo yêu cầu. Thậm chí, có những buổi khám theo yêu cầu kéo dài từ 7 giờ 30 phút đến 12 giờ và một bác sĩ phải khám tới 35-40 bệnh nhân. Với các dịch vụ khác, thông thường quỹ BHYT sẽ chi trả một phần, số còn lại người bệnh dùng dịch vụ yêu cầu sẽ chi trả thêm.

"Hiện nay, nhiều người dân đều mong muốn được khám bệnh bởi những người có học hàm học vị cao như giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ bởi họ có kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn sâu rộng. Tuy nhiên, cần khống chế số lượng bệnh nhân khám để hai bên có thời gian trao đổi, tránh tình trạng người bệnh mất tiền đăng ký khám giáo sư nhưng người khám lại không như đăng ký hoặc chỉ được tư vấn, thăm khám qua loa" - bác sĩ này nói. 

Cho phép hợp tác công - tư

Bộ Y tế khi cho phép cơ sở y tế công lập có thể thực hiện hợp tác công - tư, liên doanh liên kết, hợp tác với các cơ sở y tế nước ngoài với các chuyên gia y tế nước ngoài để khám chữa bệnh cho người dân trong nước.

Theo PGS Đào Xuân Cơ, đây là điểm mới, tạo điều kiện cho các bệnh viện vừa mời các chuyên gia nước ngoài khám chữa bệnh cho người dân vừa học được kinh nghiệm và các kỹ thuật tiên tiến trên thế giới để phục vụ người bệnh tốt hơn.

Chọn khám, chữa bệnh trong nước thay vì ra nước ngoài

Theo Sở Y tế TP HCM, hiện nay vẫn còn tình trạng người dân có điều kiện kinh tế đi nước ngoài để khám chữa bệnh hoặc khám sức khỏe. Nguyên nhân có thể do người dân còn thiếu thông tin về các kỹ thuật y tế chuyên sâu đã được thực hiện tại các bệnh viện; chưa hài lòng với cơ sở hạ tầng, dịch vụ tiện ích của các bệnh viện...

Thông tư 13 sẽ tạo hành lang pháp lý, là tiền đề để nâng cấp hệ thống y tế khám chữa bệnh cao cấp. Từ đó, người dân thay vì ra nước ngoài có thể khám chữa bệnh trong nước. Đây cũng là cơ hội để thu hút khách quốc tế đến Việt Nam du lịch chữa bệnh.

Đồng quan điểm, một chuyên gia y tế cũng cho rằng với nhu cầu khám chữa bệnh chất lượng cao của người dân ngày càng tăng, nếu thực hiện được khám chữa bệnh theo yêu cầu tốt tại các bệnh viện đặc biệt, bệnh viện lớn, chuyên khoa, đa khoa chuyên sâu sẽ giữ chân người dân không phải ra nước ngoài chữa bệnh, tiết kiệm nguồn lực tài chính lớn cho người dân và đất nước.

"Thống kê từ thời điểm trước dịch COVID-19 cho thấy khoảng 2 tỉ USD đã chảy theo người bệnh ra nước ngoài trong năm 2018 và con số này không dừng lại. Thực tế cũng cho thấy nhu cầu du lịch khám chữa bệnh của người Việt ngày càng cao và các nước trong khu vực đang làm mọi cách để thu hút nguồn ngoại tệ này" - chuyên gia này cho biết.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo