Đánh trúng tâm lý của người dân, nhất là các tài xế lo sợ về mức xử phạt mới đối với người điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, những ngày qua trên thị trường xuất hiện nhiều loại thuốc, thực phẩm chức năng và kẹo được quảng cáo giúp "tẩy nhanh nồng độ cồn", "giải rượu bia thần tốc", "xả nhanh lượng cồn, hỗ trợ giảm nhanh cơn say"...
CSGT yêu cầu người dân kiểm tra nồng độ cồn - Ảnh: Gia Minh
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 6-1, ông Đỗ Văn Đông, Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược, Bộ Y tế, cho biết chưa một sản phẩm dược phẩm nào được cấp phép lưu hành tại Việt Nam có công dụng "thổi bay" nồng độ cồn. Theo ông Đông, ngay cả thế giới cũng chưa có loại thuốc nào chứng minh được công dụng này. Hiện chỉ có một số thực phẩm chức năng có tác dụng hỗ trợ quá trình chuyển hoá, làm tăng việc đào thải qua gan, giảm hấp thu rượu chứ không thể làm hết nồng độ cồn trong máu cũng như hơi thở.
Cùng quan điểm này, PSG-TS Trần Nhân Thắng, Trưởng Khoa Dược thuộc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho rằng trên thực tế có một số thuốc gây cảm ứng enzym gan, giúp gan tăng cường chuyển hoá, đào thải rượu. Tuy nhiên, loại thuốc này phải chỉ được dùng trong cấp cứu y khoa (nghiện rượu, ngộ độc…) với sự chỉ định của bác sĩ. Quá trình sử dụng thuốc phải được theo dõi chặt chẽ tại cơ sở y tế vì có thể gây ra phản ứng nguy hại cho sức khoẻ. "Chẳng hạn với 1 đơn vị cồn (tương đương 300 ml bia hoặc 30 ml rượu), bình thường cơ thể phải mất khoảng 1 giờ đồng hồ mới đào thải hết nhưng nếu sử dụng thuốc quá trình chuyển hóa có thể diễn ra nhanh hơn 30-45 phút. Tuy nhiên chắc không thể "thổi bay" được nồng độ cồn trong chốc lát" - PGS Thắng khẳng định.
Một sản phẩm quảng cáo có công dụng "xả" nhanh lượng cồn trong cơ thể
Nói thêm về các sản phẩm giải rượu trên thị trường, một dược sĩ cho biết hiện nay chưa có một loại sản phẩm nào được công nhận giúp chống say rượu hay giải rượu nhanh. Một số thực phẩm chức năng quảng cáo giúp chống say rượu thực tế chỉ có tác dụng hỗ trợ một phần quá trình chuyển hóa rượu, bia qua gan thông qua việc bù một số vitamin, muối… cho cơ thể. Theo cơ chế chuyển hoá, bất cứ sản phẩm nào khi vào cơ thể đều phải qua quá trình hấp thu và đào thải ra ngoài. "Việc ở đâu đó quảng cáo sản phẩm thuốc hay thực phẩm chức năng giúp làm bay nhanh nồng độ cồn chỉ trong một thời gian ngắn là đánh lừa người tiêu dùng"- dược sĩ này cảnh báo.
Theo Nghị định số 100/2019 áp dụng từ ngày 1-1, khi lái xe có nồng độ cồn trong máu, hơi thở sẽ bị xử phạt sẽ rất nặng. Mức phạt thấp nhất là 200.000 đồng. Với nồng độ cồn từ 0-0,24 mg/lít khí thở, người điều khiển xe sẽ bắt đầu bị phạt tiền và giữ giấy phép lái xe. Mức xử phạt cao nhất (khi nồng độ cồn trên 0,4 mg/lít khí thở) đối với người điều khiển xe ôtô từ 30-40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng; đối với người điều khiển xe môtô từ 6-8 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng; người điều khiển xe đạp, xe thô sơ từ 400.000-600.000 đồng.
Bình luận (0)