Theo Cục Phòng chống HIV/AIDS - Bộ Y tế, tại Việt Nam, kể từ ca nhiễm đầu tiên được phát hiện năm 1990 tại TP HCM, tính đến nay cả nước có 213.008 người nhiễm HIV hiện đang còn sống và 107.812 người nhiễm HIV đã tử vong. Trung bình mỗi năm cả nước phát hiện thêm 11.000 ca nhiễm HIV và 2.800 người tử vong. Dịch tập trung chủ yếu ở khu vực Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long và chủ yếu ở đối tượng nam giới. Trong 8 tháng đầu năm 2020, cả nước xét nghiệm phát hiện mới 7.090 trường hợp nhiễm HIV, số bệnh nhân tử vong 1.392 trường hợp. Số người mới phát hiện nhiễm HIV tập trung chủ yếu ở độ tuổi 16-29 (45%) và 30-39 (31%). Đường lây chủ yếu là quan hệ tình dục không an toàn (76,4%) và qua đường máu (11,9%), mẹ sang con 1,1%, còn lại không có thông tin về đường lây truyền. Nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) đang được cảnh báo là một trong những nhóm nguy cơ chính của dịch HIV tại Việt Nam hiện nay.
Theo ông Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS, HIV/AIDS trong cộng đồng tiếp tục thuyên giảm, dịch vụ xét nghiệm HIV được mở rộng và đa dạng hơn, góp phần phát hiện gần 10.000 trường hợp nhiễm HIV mới qua các giải pháp xét nghiệm tại các cơ sở y tế, xét nghiệm dựa vào cộng đồng, tự xét nghiệm... Sự tham gia của các tổ chức cộng đồng và phòng chống HIV/AIDS đã được tăng cường, công tác điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện tiếp tục được duy trì và đổi mới. Hiện có 52.000 bệnh nhân đang điều trị bằng Methadone thường xuyên, hiệu quả cao...
HIV/AIDS không còn là vấn đề sức khỏe đáng lo ngại của mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng
Bên cạnh đó, việc điều trị dự phòng tiền phơi nhiễm (PrEP) được triển khai tốt. Điều trị ARV tiếp tục được mở rộng, chất lượng điều trị rất tốt, hiện có hơn 153.000 bệnh nhân đang điều trị ARV, chuyển đổi thành công điều trị ARV từ viện trợ sang bảo hiểm y tế...
PGS-TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS, cho biết những năm qua, hệ thống văn bản phòng chống HIV/AIDS được hoàn thiện; các hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV đổi mới, đa dạng; dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đạt hiệu quả cao... Tuy nhiên công tác phòng chống HIV/AIDS còn gặp nhiều vấn đề khó khăn như hình thái lây nhiễm HIV có sự thay đổi; xuất hiện các nhóm có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV mới. Trong đó, nhóm quan hệ đồng giới nam đang được cảnh báo là nhóm nguy cơ chính của dịch HIV tại Việt Nam hiện nay... Cùng đó, các nguồn viện trợ quốc tế cắt giảm, thay đổi tổ chức phòng chống HIV/AIDS ở các tuyến, một số địa phương chưa quan tâm đến công tác phòng chống HIV/AIDS là những thách thức lớn đối với công tác phòng chống HIV/AIDS.
Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để có thể chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030 với mục tiêu số người nhiễm HIV mới giảm dưới 1.000 trường hợp/năm vào năm 2030 và HIV/AIDS không còn là vấn đề sức khỏe đáng lo ngại của mỗi cá nhân, mỗi gia đình và của cộng đồng, do vậy Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và ban hành.
Bình luận (0)