Bác sĩ Lê Trọng Hậu, Phó Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Ung Bướu Hưng Việt (Hà Nội), trả lời: Theo các nghiên cứu, khoảng 50% dân số thế giới bị nhiễm vi khuẩn Helicobacter Pylori (HP). Trong số đó, chỉ có 2% sẽ tiến triển thành bệnh loét dạ dày, tá tràng và rất ít trường hợp tiến triển thành ung thư dạ dày. Loại vi khuẩn này sống ở lớp nhầy niêm mạc dạ dày và sản sinh urease là chất phá hủy thành niêm mạc dạ dày, gây tổn thương và viêm nhiễm mạn tính. Khi mắc vi khuẩn HP, người bệnh cần phải điều trị triệt để. Tuy nhiên, một số nghiên cứu cho thấy nếu như trong gia đình có người từng bị ung thư dạ dày thì nguy cơ mắc ung thư này ở những người họ hàng, con cái của họ sẽ cao hơn so với những người khác.
Hiện nay có 2 con đường lây nhiễm vi khuẩn HP khá rõ nét. Đó là qua đường miệng (dùng chung chén nước chấm, gắp thức ăn cho người khác, uống chung một ly nước, hôn môi...) và qua phân. Do đó, cách phòng ngừa tốt nhất là nên cách ly, không dùng chung đồ ăn khi biết trong gia đình có người mắc bệnh dạ dày do vi khuẩn HP. Để giảm các triệu chứng gây ra của viêm loét dạ dày nên ăn uống điều độ, không quá no, không quá đói. Không nên ăn đồ mặn; không thức khuya; giảm stress do công việc cũng như cuộc sống riêng...
Việc phát hiện sớm ung thư dạ dày cũng khá mơ hồ, ngoài những triệu chứng giống như các triệu chứng gặp ở viêm loét dạ dày như: có cảm giác buồn nôn và đau bụng khi no cũng như lúc đói; miệng luôn cảm thấy chán ăn, bị sôi bụng thường xuyên. Còn triệu chứng nặng hơn là đau quặn ở vùng thượng vị. Nhưng đôi khi ung thư dạ dày lại không hề xuất hiện những triệu chứng trên mà phải qua nội soi dạ dày để phát hiện bệnh.
Theo tôi, nếu trong gia đình có tiền sử người thân bị mắc bệnh ung thư dạ dày, người nhiễm HP không nhất thiết phải cắt dạ dày để ngăn ngừa ung thư. Quan trọng nhất là người bệnh cần thường xuyên đi khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm ung thư; nội soi dạ dày, đại tràng hằng năm nhằm loại bỏ sớm những dấu hiệu bất thường trong cơ thể và điều trị bệnh sớm nếu chẳng may mắc phải.
Bình luận (0)