PGS-TS Lê Bạch Mai, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia - Bộ Y tế, trả lời: Trứng là một trong những thực phẩm cung cấp nhiều chất đạm có giá trị sinh học cao, dễ hấp thu. Nếu biết cách chế biến, tỉ lệ hấp thu chất đạm của trứng là 100%. Ngoài ra, trong lòng đỏ trứng còn cung cấp nhiều chất béo, các vitamin và khoáng chất rất cần thiết cho sự phát triển của trẻ như: sắt, vitamin A, kẽm…
Trong quả trứng, thành phần protein thường nằm phần lớn ở lòng trắng, còn phần lòng đỏ lại chứa nhiều lipit (chất béo) và hàm lượng lớn cholesterol. Nhiều bà mẹ cũng băn khoăn hỏi các chuyên gia dinh dưỡng về việc cho con ăn bao nhiêu trứng là đủ vì trẻ nhỏ rất thích ăn trứng. Với trẻ 6-7 tháng tuổi: chỉ nên ăn một nửa lòng trứng gà/bữa, ăn 2 - 3 lần/tuần; trẻ 8 - 12 tháng tuổi: ăn 1 lòng đỏ/bữa, ăn 3 - 4 bữa/tuần; trẻ 1 - 2 tuổi: nên ăn 3 - 4 quả trứng/tuần, ăn cả lòng trắng; trẻ từ 2 tuổi trở lên, nếu bé thích trứng có thể cho ăn 1 quả/ngày.
Dù là thực phẩm rất tốt nhưng cũng không nên cho ăn quá nhiều trứng vì hàm lượng chất béo trong trứng cao làm bé dễ bị đầy bụng, khó tiêu, rối loạn tiêu hóa nên tùy theo tháng tuổi mà cho ăn số lượng khác nhau. Nên cho trẻ ăn đa dạng thức ăn và trung bình trẻ nhỏ ăn 3 - 4 quả/tuần, người cao tuổi có thể ăn 2 quả/tuần.
Về giá trị dinh dưỡng, trứng gà và vịt không khác nhau nhiều lắm, nhưng thành phần các vi chất dinh dưỡng thì trứng gà tốt hơn trứng vịt. Hàm lượng kẽm, vitamin A của trứng gà cao hơn trứng vịt. Trong trứng gà còn có cả vitamin D, một loại vitamin có rất ít trong thực phẩm. Hàm lượng chất đạm của trứng gà cũng cao hơn trứng vịt. Chất béo trong trứng gà thấp hơn nên ít gây đầy bụng khó tiêu. Do vậy, nên cho trẻ ăn trứng gà sẽ tốt hơn. Một số người có thói quen ăn trứng sống nhưng thực tế, nếu ăn trứng gà sống, tỉ lệ hấp thu và tiêu hóa chỉ được 40%, ở trứng luộc chín tới là 100%, trứng rán chín tới 98,5%, trứng rán già 81%, trứng ốp la là 85%, trứng chưng 87,5%.
Bình luận (0)