Do đó, nhiều chủ quán thịt chó không thể nào biết được chó có nguồn gốc từ đâu, được giết mổ như thế nào và tình trạng “sức khỏe” của chó trước khi được giết mổ.
Thịt chó nhiễm thuốc trừ sâu, thuốc chuột
2 giờ ngày 3-3-2002, nhiều người dân cùng công an địa phương xã Mê Pu, huyện Ðức Linh, tỉnh Bình Thuận phát hiện 2 tên Trần Minh Thao, sinh năm 1980, cư ngụ tại thôn 5, xã Vũ Hòa và tên Nguyễn Văn Mân tự Thắng, sinh năm 1971, tạm trú tại thôn 1, thị trấn Võ Xu, huyện Ðức Linh, Bình Thuận đang thuốc chó tại khu vực Mê Pu. Tang vật gồm 67 kg thịt chó đang chuẩn bị vận chuyển bằng xe đò về TPHCM. Bọn chúng khai thêm trước đó vào đêm
Lượng thịt chó có độc tố đang tăng
Theo Chi cục Thú y TPHCM, tình trạng chó bị giết chết bằng nhiều hình thức trong đó có thuốc trừ sâu, thuốc chuột hiện nay khá phổ biến. Lượng thịt chó này có thể được tiêu thụ tại quán thịt chó, trong đó lượng thịt chó được giết mổ sẵn từ các tỉnh đưa vào TPHCM là khá lớn. Theo bác sĩ Lý Minh Tâm, Phó Trạm Phòng chống dịch & Kiểm dịch động vật - Chi cục Thú y TPHCM: Chó, mèo bị thuốc thường có các triệu chứng như co giật, sùi bọt mép, ói mửa, đôi khi có tiêu chảy và liệt toàn thân. Các loại thuốc trừ sâu thông thường thuộc nhóm clor hữu cơ, nhóm phosphor hữu cơ khi nhiễm sang người sẽ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa như gây ói mửa, đau bụng, tiêu chảy; bài tiết gia tăng như xuất tiết mồ hôi, nước mắt, nước bọt, đàm nhớt; ảnh hưởng đến hệ thần kinh như vật vã, lơ mơ, co giật, đồng tử co nhỏ như đầu đinh ghim, rũ rượi. Nếu bị nhiễm nặng sẽ dẫn đến hôn mê, liệt, kể cả tử vong. Người bị nhiễm độc sẽ không có thuốc đối kháng đặc trị, khả năng bình phục tùy thuộc vào lượng hóa chất tồn dư trong thịt chó, mèo sau khi chế biến.
Tiến sĩ Hoàng Văn Bính, Khoa Y tế Công cộng Ðại học Y Dược TPHCM, cũng cho biết, thuốc trừ sâu nhóm lân hữu cơ đã cấm sử dụng vì rất độc, với liều lượng 1/2 mg sau 20 - 30 phút là giết được chó. Nếu người bị nhiễm độc sẽ ảnh hưởng đến tim mạch, nôn ói, khó thở, liệt hô hấp dẫn đến tử vong. Các chất độc trên còn tích lũy trong các mô béo, tuyến sữa của bà mẹ sẽ ảnh hưởng đến thể trạng của trẻ em được nuôi bằng nguồn sữa mẹ này. Ngoài ra, còn có loại thuốc chuột phốt phua kẽm, ăn phải là chết ngay. Chất thallium cực độc còn gây tác hại như rụng tóc, nhiễm độc ở nội tạng và thần kinh khi ăn phải chất này.
Thịt chó cũng tiềm ẩn nhiều bệnh lây nhiễm
Chó bị nhiễm vi-rút dại hay còn gọi là chó điên. Vi-rút này tồn tại chủ yếu ở trong nước bọt, hệ thần kinh trung ương, ngoại vi và một số cơ quan khác của chó. Việc lây nhiễm bệnh dại từ chó sang người chủ yếu là từ nước bọt của chó qua vết trầy xước trên da người. Tuy nhiên, đối với người ăn thịt chó chưa được nấu chín cũng có khả năng nhiễm bệnh dại qua vết thương ở niêm mạc miệng hoặc đường tiêu hóa. Do đó, những người khoái ăn món thịt cầy cần phải thận trọng khi ăn các món tái, chẳng hạn như món tiết canh, lòng chó...
Bác sĩ Lý Minh Tâm còn lưu ý: Thịt chó còn mang nhiều bệnh dễ lây nhiễm cho người như bệnh lao, bệnh lepto dạng xoắn trùng gây bệnh vàng da, tổn hại gan, gây sẩy thai. Tiến sĩ Hoàng Văn Bính lưu ý thêm, trong cơ thể chó có rất nhiều vi trùng gây độc hại. Có loại vi trùng không chết ở nhiệt độ cao và cũng có loại vi trùng chết khi bị nấu chín. Nhưng những xác vi trùng này vẫn tiết ra độc tố gây chết người.
Bình luận (0)