Bệnh bạch biến (lang trắng) là tình trạng mà trong đó nhiều khu vực trên da mất tế bào sắc tố và chuyển sang màu trắng.
Các nhà khoa học tại Đại học King (London, Anh) phát hiện ra rằng piperine - hợp chất tạo nên vị cay và mùi thơm của hạt tiêu đen - có thể kích thích quá trình tạo sắc tố ở da.
Theo thống kê, bệnh bạch biến tấn công khoảng 1% dân số thế giới. Hiện nay, người ta điều trị căn bệnh này bằng cách sử dụng corticosteroid (một loại hormone) hoặc liệu pháp ánh sáng (chiếu tia cực tím lên da) để phục hồi tế bào sắc tố.
Tuy nhiên, chưa tới một phần tư số bệnh nhân thành công với liệu pháp corticosteroids. Trong khi đó, liệu pháp ánh sáng thường gây nên tình trạng loang lổ và có thể dẫn tới nguy cơ ung thư da về lâu dài.
Nhóm chuyên gia của Đại học King đã kiểm tra các tác động của piperine và các chất dẫn xuất tổng hợp của nó khi cấy vào da của chuột. Họ chia những con chuột thành hai nhóm, trong đó một nhóm được áp dụng liệu pháp tia cực tím sau khi cấy, còn nhóm kia thì không. Kết quả cho thấy, piperine và hai chất dẫn xuất tổng hợp của nó kích thích quá trình tái tạo tế bào sắc tố, trả lại màu da nâu sáng cho chuột trong vòng 6 tuần.
Khi kết hợp với tia cực tím, liệu pháp này giúp cho làn da trở nên sẫm hơn. Liệu pháp kết hợp đem đến kết quả nhanh hơn so với việc chỉ áp dụng liệu pháp chiếu tia cực tím và tác dụng của nó cũng kéo dài lâu hơn.
Ngoài ra, liệu pháp kết hợp còn giúp sắc tố phân bố đều hơn trên da, tránh được hiện tượng loang lổ.
Bình luận (0)