Tuy nhiên, sự phân bố không đều tùy theo từng vùng. Tại Bệnh viện Răng Hàm Mặt, năm 2001 đã phẫu thuật cho 495 trường hợp sứt môi - hở hàm ếch, năm 2002 phẫu thuật 428 trường hợp, riêng 9 tháng đầu năm 2003 có 490 trường hợp. Trong những năm qua, Viện Răng Hàm Mặt (Bộ Y tế) cũng đã phẫu thuật miễn phí cho gần 30.000 trẻ sứt môi - hở hàm ếch từ nhiều tỉnh thành khác đưa về
Tiến sĩ - bác sĩ Phạm Xuân Sáng, Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp Bệnh viện Răng Hàm Mặt, cho rằng sở dĩ tỉ lệ dị tật sứt môi - hở hàm ếch ở VN cao hơn mức trung bình của thế giới là do các điều kiện dẫn đến nguy cơ cao hơn trong khi việc dự phòng lại không bằng các nước tiên tiến. Mặt khác, qua chẩn đoán thai nhi, nếu phát hiện trẻ mắc tật bẩm sinh, bác sĩ sẽ phẫu thuật cho trẻ từ trong bào thai hoặc hủy bỏ thai nhi không bình thường.
Quá nhiều yếu tố nguy cơ!
Các chuyên gia về răng hàm mặt giải thích rằng, do quá trình ráp nối các bộ phận của răng hàm mặt ở thời kỳ phôi thai bị rối loạn gây nên sứt môi hoặc hở hàm ếch. Còn nguyên nhân gây rối loạn quá trình ráp nối các tổ chức hiện nay vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, có một số yếu tố nguy cơ liên quan đến dị tật bẩm sinh này ở trẻ như dùng thuốc không đúng chỉ định trong thời gian đầu của thai kỳ, nhiễm chất độc hóa học, do nhiễm tia X hoặc nhiễm siêu vi, bị cảm cúm, do cha mẹ mắc bệnh giang mai, lậu không được điều trị đến nơi đến chốn... Ngoài ra, người mẹ mang thai bị stress, khủng hoảng về tâm lý, suy nghĩ nhiều, bị ngược đãi, hoang mang, điều kiện sống thấp, thiếu thốn hoặc người mẹ suy dinh dưỡng lúc mang thai cũng ảnh hưởng đến dị tật sứt môi - hở hàm ếch ở trẻ. Những yếu tố về di truyền hay cha mẹ sinh con lúc lớn tuổi cũng được các chuyên gia xếp vào nhóm nguy cơ gây sứt môi - hở hàm ếch. Trong tháng thứ nhất của thai kỳ, nếu thai phụ bị cúm hoặc nhiễm siêu vi, hóa chất, tia xạ... thì trẻ có thể bị sứt môi. Nếu tình trạng này xảy ra trong tháng thứ hai thì trẻ sinh ra dễ bị hở hàm ếch, nếu sức khỏe của thai phụ không tốt, mắc bệnh cúm kéo dài từ tháng thứ nhất đến tháng thứ hai của thai kỳ thì nguy cơ trẻ bị cả sứt môi và hở hàm ếch rất cao.
Nuôi một trẻ hở hàm ếch bằng nuôi bốn trẻ bình thường
Sứt môi – hở hàm ếch không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ của trẻ mà còn tác động nhiều đến chức năng của răng hàm mặt, đặc biệt là ở những trẻ hở hàm ếch. Hàm ếch được xem là thành ngăn cách hốc miệng và hốc mũi, giúp bảo đảm cho việc phát âm được chuẩn. Vì thế, hở hàm ếch sẽ gây rối loạn phát âm (nói ngọng) và rối loạn chức năng nuốt, khi đó thức ăn hoặc sữa sẽ chạy ngược lên mũi gây sặc. Do khó nuốt nên trẻ sớm bị suy dinh dưỡng, ảnh hưởng đến quá trình phát triển thể chất, từ đó ảnh hưởng đến khả năng phát triển trí tuệ. Về tâm lý, trẻ sẽ có cảm giác bị cô lập, mặc cảm, tủi thân; cha mẹ trẻ và người thân cũng chịu tác động không kém. Tiến sĩ - bác sĩ Phạm Xuân Sáng nhận định, nuôi một đứa trẻ hở hàm ếch tương đương với bốn đứa trẻ bình thường. Ngoài ra, những trẻ này còn bị thiếu răng, hay răng mọc lệch do khung răng bị dị dạng gây rối loạn về khuôn mặt. Trẻ cũng dễ bị sâu răng hơn trẻ bình thường do bị sặc thức ăn. Về hô hấp, do mũi và miệng không có thành chắn nên thường gây nhiễm trùng đường hô hấp trên như viêm mũi họng, viêm phế quản, đặc biệt là vào mùa lạnh.
Bình luận (0)