Từng có tiền sử tăng huyết áp, tiểu đường nên ông P.T.Q. (72 tuổi) ở Hà Nội lúc nào cũng dự trữ một vài hộp ACNHH và cứ 2- 3 tháng lại uống một viên để phòng bệnh. Cách đây không lâu ông bị hôn mê sau một tai biến, được chuyển đến Bệnh viện (BV) Bạch Mai (Hà Nội) điều trị.
Trước đó, BV Bạch Mai cũng tiếp nhận một bệnh nhân nam N.M.K, 50 tuổi ở Hà Nội trong tình trạng hôn mê. Theo người nhà, ngay sau khi bệnh nhân hôn mê đã được cho uống ACNHH nhưng không đỡ. Tại BV, bệnh nhân được điều trị theo phác đồ của bác sĩ nhưng người nhà vẫn lén cho sử dụng ACNHH. Bệnh nhân càng dùng ACNHH thì tình trạng rối loạn đông máu càng trầm trọng, ý thức không được cải thiện, đồng tử giãn, nhiễm trùng phổi, chảy máu nhiều nơi.
Theo bác sĩ Đào Xuân Cơ, Khoa Điều trị tích cực (BV Bạch Mai), cả hai bệnh nhân trên đều uống ACNHH có xuất xứ Trung Quốc với liều dùng cao 2-3 viên/ngày và cùng có biểu hiện chảy máu và rối loạn đông máu sau khi dùng thuốc.
Việc tìm mua ACNHH có xuất xứ từ Trung Quốc hiện nay khá dễ dàng. Không chỉ các hiệu thuốc đông, tây y mà còn mua dễ dàng cả trên các trang mạng với giá từ vài trăm tới vài triệu đồng/hộp, kèm theo đó là những lời quảng cáo “có cánh” khẳng định ACNHH có công dụng dự phòng tai biến mạch máu não và phục hồi sau tai biến. Vì thế rất nhiều người cao tuổi, có tiền sử cao huyết áp luôn dự trữ “thần dược” này để phòng thân.
Bác sĩ Hoàng Bùi Hải, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội - cho hay có những trường hợp tai biến, hôn mê thay vì đưa bệnh nhân đi cấp cứu ngay thì người nhà lại loay hoay xoa dầu, bóp gừng, rồi “bóp mồm bóp miệng” cho uống bằng được ACNHH. “Đã có bệnh nhân tai biến não, hôn mê, rối loạn đường thở, không nuốt được nhưng người nhà cố “bơm” “thần dược” này vào miệng khiến bệnh nhân tử vong vì thuốc không vào đường tiêu hóa mà tràn vào phổi làm nghẹt thở”- bác sĩ Hải cảnh báo.
Theo bác sĩ Nguyễn Xuân Hướng, nguyên Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam, ACNHH là một trong những loại thuốc quý của y học cổ truyền. Tuy nhiên đây không phải là “thần dược” có công dụng bồi bổ như nhiều người lầm tưởng. “Hiện chưa có một nghiên cứu nào nói rằng thuốc có tác dụng đề phòng xuất huyết não mà đó chỉ là lời đồn thổi. Chúng tôi cũng hỏi một số giáo sư Đông y Trung Quốc nhưng họ trả lời: “Chưa có kinh nghiệm trong trường hợp phòng xuất huyết não”. Người Trung Quốc sản xuất ra thuốc mà chưa có kinh nghiệm điều trị trong khi ở Việt Nam lại sử dụng tùy tiện, tràn lan, đó là điều đáng suy nghĩ”- bác sĩ Hướng nói.
Giới chuyên môn cảnh báo, hiện thuốc ACNHH được bán trôi nổi trên thị trường với nhiều loại, giá cả khác nhau, nguồn gốc phức tạp và chưa có cơ quan khoa học nào kiểm định tác dụng thật của thuốc.
Có thành phần sừng tê giác? Theo một bác sĩ, ACNHH được quảng cáo có thành phần sừng tê giác nhưng tê giác hết sức quý hiếm, đã bị cấm săn bắt và tàng trữ nên trong các sản phẩm này làm gì có thành phần sừng tê giác. Hiện nay hầu hết người bệnh sử dụng ACNHH là do những lời đồn thổi về công dụng chứ hiếm khi được bác sĩ chỉ định. “Chất lượng, giá cả thuốc đều rất tù mù. Bản thân tôi từng nhận được lời đề nghị kê loại “thần dược” này (1,5 triệu đồng/hộp) cho bệnh nhân để được hưởng hoa hồng cao ngất nhưng tôi đã từ chối”- một bác sĩ tiết lộ.
Nhiều gia đình dự trữ An cung ngưu hoàn hoàn như một thần dược để phòng tai biến. |
Bình luận (0)