Đáng nói hơn nữa là 70% trường hợp rối loạn nhịp sinh học khiến nạn nhân mất ngủ, biếng ăn, buồn chán, rối loạn cương dương, lãnh cảm... là do bàn tay phá hoại ngấm ngầm của stress! Do đó, làm sao trung hòa được tác hại của stress chính là phương án dự phòng nhiều căn bệnh nghiêm trọng. Điểm lý thú là chuyên gia ở Khoa Bệnh lý do stress tại ĐH Munich đã phát hiện một số thói quen của người phải đồng hành với stress khiến bệnh từ nhẹ mau trở nặng. Bệnh tất nhiên khó chữa nếu nạn nhân chính là thủ phạm, bởi lẽ:
Không chủ động tìm cách nghỉ ít phút xả hơi nhiều lần trong ngày. Nếu trong giờ nghỉ có dịp đóng vai “bà tám” càng hay. Bận rộn mấy cũng cần có một lần không dưới 30 phút trong khung cảnh chỉ có mình với ta. Nếu lúc đó mà tập thiền, Yoga càng thượng sách.
Mang theo việc chưa làm xong vào giờ nghỉ, thậm chí vào giường ngủ. Đã gọi là nghỉ thì phải ngưng chuyện vừa làm cũng như chuyện sắp thực hiện. Nên tắt điện thoại. Nên nghỉ luôn cả chuyện lên mạng để chat hay chơi game giải trí vì kích ứng kiểu này còn hại hơn công việc.
Không chọn hình thức giải trí trong giờ nghỉ hoàn toàn trái ngược với công việc thường ngày. Ngưng đánh máy vi tính để đọc sách trong giờ nghỉ thì stress mỏng lắm cũng cũng tăng 2 lần.
Quá thụ động với lịch hẹn. Tất nhiên cần linh động trong ứng xử nhưng đừng theo yêu sách của người mà theo khả năng của ta. Đừng bao giờ tìm cách giải quyết 2 vấn đề trong khoảng thời gian chỉ đủ cho một việc.
Không hay nếu việc gì cũng để ngày mai nhưng mặt khác, đừng cố gắng giải quyết cho xong việc gì đó không nhất thiết phải ưu tiên cho ngày nay. Stress bao giờ cũng chực chờ quan điểm “luôn thể làm cho xong”, hậu quả là không có chuyện gì xong.
Chủ quan, thậm chí cường điệu, vì nghĩ mình là người không thế thay thế. Dù có thừa sức cáng đáng vẫn nên tìm cách chia sẻ trách nhiệm cho toàn đội.
Không tìm cách trở về với thiên nhiên để vừa “xả xu-páp” vừa tìm lại hứng thú. Chim kiểng, cá kiểng, cây kiểng, chơi kiểu nào cũng được, miễn là tìm được ở đó ít phút của “tao nhân”. Làm bạn với thú cưng, với bonsai có thêm lợi điểm là khỏi nghe tiếng thở dài của những người xung quanh đang gấp gáp trong cuộc mưu sinh.
Kẹt cho nạn nhân của stress là các biện pháp được thầy thuốc khuyên lại không dễ thực hiện. Biết là nói dễ hơn làm nhưng nếu khoanh tay ngồi chờ thì stress càng nặng. Chi bằng tận nhân lực để nếu “thua” cũng đỡ ấm ức!
Bình luận (0)