Một trong những rối loạn hoạt động tình dục ở nam giới thường xảy ra ở tuổi đã cao là rối loạn cương (RLC, còn viết tắt theo tiếng Anh là ED – Erectile Dysfunction). Ở ta, RLC còn được gọi là bất lực, liệt dương, nhược dương, yếu sinh lý. Hiện nay toàn cầu ước tính có 150 triệu đàn ông bị RLC.
RLC được định nghĩa là tình trạng không đủ khả năng đạt tới hoặc duy trì sự cương đủ cho giao hợp bình thường và tình trạng này kéo dài trong ít nhất ba tháng. Nếu chỉ do tình huống bất thường (phiền muộn, trầm cảm, tác động của rượu...) thì đó chưa phải là bệnh, sự ổn định tâm lý sẽ giúp khắc phục rối loạn. Còn nếu rối loạn kéo dài hơn ba tháng, người bệnh cần đến bác sĩ khám để điều trị.
Trạng thái cương là kết quả của sự dồn máu và tích tụ máu tại xoang thể hang của cơ quan sinh dục nam. Ta có thể hình dung dương vật như một mạch máu lớn. Khi có sự kích thích tình dục, hệ thần kinh gây phóng thích một số chất sinh học gọi là chất dẫn truyền thần kinh làm cho mạch máu lớn này nở rộng ra, máu đi vào dương vật nhanh hơn là máu thoát ra. Kết quả là có sự cương cứng. Sau quan hệ tình dục, quá trình trên đảo ngược, mạch máu co hẹp tống máu ra khỏi dương vật, trạng thái cương không còn nữa. Quá trình cương là kết quả của sự tổng hợp hài hoà các yếu tố tác động lẫn nhau: thần kinh – tâm lý, nội tiết, tuần hoàn – mạch máu, giải phẫu – mô học của cơ quan sinh dục nam.
Do đâu?
Có khá nhiều nguyên nhân gây RLC, có thể chia làm hai nhóm:
Nhóm nguyên nhân tâm lý chiếm 10 – 20%, thường xảy ra ở người trẻ, do stress, trầm cảm, lo âu, xuống tinh thần, quan hệ không suôn sẻ với đối tác tình dục.
Nhóm nguyên nhân thể chất chiếm 80 – 90%, xuất phát từ các rối loạn chức năng hoặc tổn thương thực thể như bị bệnh tim mạch với xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, tăng cholesterol máu, đái tháo đường (cả hai týp 1) với biến chứng gây tổn hại mạch máu và các dây thần kinh có thể dẫn đến RLC.
Dùng thuốc “mua vui” có ngày rối thật
Điều hoà sự cương có các enzym phosphodiesterase (PDE), trong đó có một isoenzym là PDE týp 5 (PDE5) có vai trò phân huỷ bất hoạt chất sinh học cGMP gây gia tăng nồng độ canxi trong tế bào cơ trơn và gây co cơ trơn. Đa phần RLC là do mất cân bằng, hoạt động của PDE5 chiếm ưu thế, phân huỷ cGMP đến độ sự cương không thực hiện được. Từ đầu những năm 1990, bắt đầu xuất hiện nhóm thuốc ức chế PDE-5 tạo nên bước tiến vượt bậc trong chữa trị RLC. Thuốc đầu tiên của nhóm là Viagra (sildenafil), sau đó có thêm Levitra (vardenafil) và Cialis (tadalafil).
Trong nghiên cứu được Tạp chí Y học Giới tính 7-2012 ghi nhận, các tác giả đã làm cuộc phỏng vấn online 1.207 đàn ông, tuổi trung bình 22, trong đó có: 72 người dùng thuốc trị RLC không chữa bệnh mà để “mua vui”, 24 người được bác sĩ kê đơn để chữa bệnh, 1.111 người không dùng thuốc trị RLC. Tất cả được phỏng vấn vô danh để có thể trả lời trung thực về hoạt động tình dục trong bốn tuần liên tiếp. |
Mặc dù thuốc trị RLC được công ty sản xuất dược phẩm sản xuất nêu rõ “chỉ dùng khi người bệnh đi khám ở bác sĩ chuyên khoa được xác định là bị RLC”, tức không được tự ý dùng mà phải được bác sĩ chuyên khoa (nam khoa, tiết niệu, nội tiết…) khám và chỉ định, nhưng từ khi xuất hiện trên thị trường dược phẩm, thuốc này đã bị lạm dụng, không để chữa bệnh mà dùng để kích dục.
Có một số trong cánh đàn ông, thậm chí là người trẻ tuổi không bị bệnh gì cả, chỉ muốn dùng thuốc nhằm “đã mạnh phải mạnh hơn nữa”. Trong trường hợp này, mục đích sử dụng thuốc được gọi là để “mua vui” (recreational use). Các nhà chuyên môn từ lâu rất muốn nêu bật tác hại của việc dùng thuốc trị RLC nhằm “mua vui” nhưng chỉ đưa ra khuyến cáo chung chung. Nay với nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Y học giới tính vừa nêu, đã có chứng cứ sơ bộ cho thấy nếu người dùng thuốc trị RLC không phải để chữa bệnh mà chỉ để “ngon cơm” hơn, sẽ có nguy cơ bị RLC thật sau này.
Đã "ngon cơm" rồi đừng ham "ngon" hơn nữa
Trong nghiên cứu trên, các tác giả ghi nhận tỷ lệ RLC tăng theo tuổi. Chỉ có khoảng 9% đàn ông tuổi dưới 39 bị RLC, nhưng đến 70% đàn ông từ 60 trở lên bị rối loạn này. Tuy nhiên, tỷ lệ dùng Viagra ở người Mỹ trưởng thành cao nhất lại ở tuổi 18 – 45 (tức có nhiều người trẻ dùng). Từ 1998 – 2002, tỷ lệ dùng thuốc ở lứa tuổi vừa kể đã tăng 312%.
Kết luận của nghiên cứu cho thấy một điều làm buồn lòng những người dùng thuốc RLC mua vui: so với người không dùng thuốc, người dùng thuốc trẻ tuổi “mua vui” lại thiếu tự tin, ít cảm thấy thoả mãn hơn và bị ảnh hưởng là cứ trông chờ vào tác dụng của thuốc, dễ dẫn đến RLC tâm lý (psychogenic ED) thật sự sau này.
Nghiên cứu vừa kể chỉ là bước khởi đầu, sẽ có nhiều nghiên cứu tiếp theo. Nhưng nhiêu đó cũng đủ cảnh tỉnh những đấng mày râu lòng tham không đáy, muốn dùng thuốc trị RLC để đã “ngon cơm” rồi phải ngon hơn nữa!
Bình luận (0)