Suy dinh dưỡng thể thấp còi là một trong những chỉ số đánh giá nguồn nhân lực cho tương lai và thấp còi liên quan chặt chẽ với sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Chính vì vậy, việc can thiệp phòng chống thấp còi là đầu tư dài hạn, mang lại lợi ích cho thế hệ hiện nay cũng như sau này.
Tổ chức Y tế Thế giới đã nhận định nước ta hiện còn nằm trong 36 nước có tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng thấp còi cao nhất trên thế giới. Kết quả tổng điều tra dinh dưỡng toàn quốc năm 2009 cho thấy khoảng 18,9% (1,54 triệu) trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và khoảng 31,9% (2,59 triệu) bị suy dinh dưỡng thể thấp còi. Điều tra năm 2010 cho thấy 17,5% trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và 29,3% suy dinh dưỡng thể thấp còi.
Đã có nhiều công trình nghiên cứu chứng minh dinh dưỡng có vai trò rất quan trọng với sự phát triển chiều cao của trẻ. Trẻ em ở các TP hoặc thị xã/thị trấn, đặc biệt tạỉ Hà Nội và TPHCM, nơi có điều kiện kinh tế khá hơn, thường cao hơn trẻ em nông thôn. Kết quả cuộc điều tra về tình trạng dinh dưỡng ở 11.917 trẻ em sống ở các vùng nông thôn của nước ta và 9.410 học sinh ở Hà Nội cho thấy chiều cao và cân nặng của trẻ em Hà Nội hơn hẳn trẻ nông thôn, tuổi càng lớn thì khoảng cách này càng xa. Ví dụ lúc 5 tuổi, chiều cao trung bình của trẻ em Hà Nội hơn trẻ em nông thôn 5 cm nhưng lúc 15 tuổi, chênh lệch này là 10 cm. Lý do được các chuyên gia dinh dưỡng đưa ra đầu tiên là trẻ em TP được chăm sóc tốt hơn, có chế độ ăn uống đầy đủ hơn.
Ngoài năng lượng và các nhóm chất dinh dưỡng chính (đạm, bột, béo), những chất dinh dưỡng đã được các nhà khoa học chứng minh có liên quan đến tăng trưởng chiều cao là: vitamin A, vitamin D3, lysin, canxi, phosphor, magne, sắt, kẽm, iốt. Những yếu tố “đổ bê tông” cho xương là protein, canxi, phosphor, magne, kẽm, sắt. Những yếu tố phụ gia trộn trong “khối bê tông” đó chính là lysin, vitamin A, vitamin D...
Bình luận (0)