Sự bất thường ở bộ phận sinh dục trong trường hợp mơ hồ giới tính không đe dọa đến tính mạng nhưng lại gây ra những sang chấn tinh thần, ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống và tương lai của bệnh nhi.
Trao trả những cuộc đời
PGS-TS-BS Lê Tấn Sơn, Trưởng Khoa Thận niệu Bệnh viện (BV) Nhi Ðồng 2 (TP HCM), nhớ mãi một ca ông từng gặp cách đây 10 năm, bệnh nhi khi được phẫu thuật để xác định lại là con trai thì đã 13 tuổi. Sau khi phẫu thuật, cha mẹ em phải bán nhà và chuyển con đến học tại một trường khác. Cậu bé kể với BS Sơn: "Có lần, con ra hiệu sách, gặp một người quen, cố tránh đi nhưng bị cô ấy gọi lại và hỏi con có phải anh, em gì của cô bé mà cô ấy quen khi xưa không? Lúc đó, con rất bối rối, đành nói rằng bạn nhận nhầm người và vội bỏ đi…".
Bà Hà Thị Thu Thủy - điều dưỡng trưởng, Khoa Thận niệu BV Nhi Ðồng 2 - cho biết có nhiều trường hợp trẻ khá lớn thì phụ huynh mới phát hiện con có vấn đề về giới tính. Khi đó, ngoài phẫu thuật, BV phải hỗ trợ các em cả về mặt tâm lý bởi cuộc sống sẽ bị xáo trộn rất nhiều. "Tôi từng gặp trường hợp phụ huynh đưa "con trai" vào viện với trạng thái rất hoang mang vì phát hiện cháu... có kinh nguyệt" - bà Thủy kể.
Ai được "sửa" giới tính?
Ðến thời điểm này, 3 BV có thẩm quyền can thiệp điều trị, cấp "Giấy chứng nhận y tế đã xác định lại giới tính" cho các trường hợp khuyết tật bẩm sinh về giới tính hoặc giới tính chưa định hình chính xác là Nhi Ðồng 2, Nhi Trung ương và Việt Ðức (Hà Nội). Ngoài ra, BV Phụ sản Trung ương là cơ sở thứ tư đang trong quá trình thẩm định để được xác định lại giới tính.
Ðây là những cơ sở có điều kiện vật chất, nhân lực đảm nhận được những kỹ thuật chuyên sâu để thực hiện các phẫu thuật can thiệp này. Ðiều này đã mở ra tương lai cho hàng ngàn người không may mắn khi gặp phải những bất thường về giới tính. Chỉ tính riêng BV Nhi Trung ương, hiện đang điều trị cho hơn 700 trường hợp có vấn đề về giới tính.
Theo BS Trần Văn Học, Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp BV Nhi Trung ương, rối loạn phát triển giới tính được định nghĩa là sự bất thường bẩm sinh về tuyến sinh dục (buồng trứng, tinh hoàn), hình thái bộ phận sinh dục ngoài và bất thường về nhiễm sắc thể giới. Thế nhưng, để lựa chọn giới tính cho trẻ, các bác sĩ phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Ðầu tiên, bảo đảm được khả năng sinh sản của trẻ khi trưởng thành; kế đến, tái tạo chỉnh hình phải giống với giới tính của trẻ và cuối cùng là phù hợp với nguyện vọng của bệnh nhi cũng như gia đình.
Phải lựa chọn khi bị lưỡng tính Theo PGS-TS-BS Lê Tấn Sơn, trong phẫu thuật xác định lại giới tính, thường gặp nhất là dị tật lỗ tiểu thấp ở bé trai và phì đại âm vật ở bé gái khiến cơ quan sinh dục trông giống như trẻ ở giới tính ngược lại và gây ra nhầm lẫn ban đầu. Cá biệt là những trường hợp bị lưỡng tính, tức trẻ vừa có tinh hoàn vừa có buồng trứng. Khi đó, bác sĩ phải dựa vào hình dạng bên ngoài và cuộc sống hiện tại để chọn một giới tính cho trẻ. Nếu chọn làm con gái thì sau phẫu thuật, trẻ sẽ có cuộc sống bình thường và có thể làm mẹ. Nhưng nếu đứa trẻ đã sống bấy lâu như một bé trai mà phải chọn làm con trai thì sau này không thể làm cha vì một số bộ phận bên trong của cơ quan sinh dục nam đã thoái hóa. |
Bình luận (0)