Tình trạng suy giảm trí nhớ không còn là căn bệnh xảy ra ở người già mà hiện xảy ra khá phổ biến ở người trẻ tuổi. Nguyên nhân có thể bắt nguồn từ những căng thẳng, áp lực trong cuộc sống, công việc và học tập.
Người trẻ cũng đãng trí
Chị Phạm Mai Hoa (41 tuổi, ở Hà Nội) cho biết hơn một năm qua, chị thường xuyên rơi vào tình trạng "não cá vàng", nhất là sau khi mắc COVID-19. Làm công việc kế toán nhưng gần đây chị thường xuyên bị mất tập trung, "nhớ nhớ quên quên", suy nghĩ có phần chậm chạp hơn, ảnh hưởng không nhỏ đến công việc. Thậm chí trong sinh hoạt thường ngày, chị Hoa cũng hay quên điện thoại, chìa khóa, ví tiền, nhiều lúc kính đeo trên mặt, mũ bảo hiểm đội trên đầu nhưng vẫn đi tìm. "Nhiều lúc tôi quên cả tên đồng nghiệp hoặc bạn bè khi bất chợt gặp. Phải mất mấy giây trấn tĩnh mới nhớ ra tên người đối diện" - chị Hoa lo ngại.
Trong khi đó, anh Vũ Dũng (36 tuổi) nói với bác sĩ về lo lắng của bản thân khi đầu óc lúc nào cũng căng thẳng, mất tập trung, đãng trí, thậm chí không ít lần dù đã đặt thông báo trên điện thoại nhưng công việc bận rộn, tiện tay tắt đi thế là quên cả lịch họp, quên cả giờ đón con. Gần đây, khi được công ty chuyển sang vị trí cao hơn, lo sợ không hoàn thành công việc khiến anh ngày càng stress, trí nhớ cũng giảm sút.
Bác sĩ thăm khám cho người bệnh tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương
Đưa người nhà tới khám tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương, anh Hoàng Nam, ở Bắc Ninh, cho biết mẹ của anh mới 66 tuổi nhưng đã "bị lẫn". Con cháu cho ăn cơm, uống thuốc rồi nhưng bà bảo "chưa ăn" rồi mắng con cháu là "bỏ đói bà". Vì sợ bị bỏ đói nên có nhiều bữa bà ăn rất nhiều khiến đường huyết tăng vọt. Tình trạng này diễn ra hằng ngày khiến cuộc sống gia đình anh đảo lộn.
Theo bác sĩ Hà Quốc Hùng, Trưởng Khoa Khám theo yêu cầu - Bệnh viện Lão khoa Trung ương, suy giảm trí nhớ ngày càng phổ biến ở người trẻ. Nguyên nhân có thể do những áp lực từ cuộc sống, công việc, học tập; lối sống không khoa học như: uống nhiều rượu bia, thức khuya, lười vận động... dẫn đến stress. Khi thần kinh căng thẳng cũng dễ bị phân tán tư tưởng, giảm trí nhớ. Dấu hiệu nhận biết chứng "nhớ nhớ, quên quên" là kém tập trung, thường xuyên lơ đãng, hay quên mọi thứ, giảm khả năng tư duy. Trong khi với người già, người trên 65 tuổi, tình trạng đãng trí, lẫn lộn, hay quên, phần lớn được chẩn đoán là sa sút trí tuệ trong đó phổ biến nhất là bệnh Alzheimer (60% - 80%).
Hay quên cũng cần được chữa
Bác sĩ Nguyễn Thị Phương Loan, Trưởng Phòng Tâm thần người cao tuổi - Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai), cho biết sa sút trí tuệ là hội chứng lâm sàng được gây ra bởi tổn thương não với các biểu hiện suy giảm các lĩnh vực nhận thức như: trí nhớ, định hướng, chú ý, ngôn ngữ, tri giác, suy luận, phán đoán, điều hành, khả năng thực hiện các nhiệm vụ liên tục. Sa sút trí tuệ có thể gặp trong nhiều bệnh khác nhau nhưng chủ yếu là bệnh Alzheimer.
Bệnh thường gặp ở người già. Ban đầu nó sẽ ảnh hưởng đến trí nhớ ngắn hạn, người bệnh sẽ quên mất công việc phải làm, đồ vật để ở đâu. Sa sút trí tuệ nặng hơn sẽ khiến người bệnh quên hết các sự kiện gần đây khiến họ chỉ sống trong quá khứ. Trầm trọng hơn, người bệnh có thể quên luôn các sự kiện xa hơn.
"Dù chứng sa sút trí tuệ chủ yếu ảnh hưởng đến người lớn tuổi nhiều hơn song bệnh này lại không phải là một quá trình lão hóa bình thường mà còn là hậu quả một số yếu tố bệnh tật" - bác sĩ Loan nhấn mạnh.
Tuy vậy, các bác sĩ cũng cho biết suy giảm trí nhớ ở người trẻ tuổi khác với sa sút trí tuệ ở người già. Ngoài những yếu tố gây stress thì việc thức khuya, ngủ ít hoặc mất ngủ; lạm dụng các thiết bị công nghệ, ngồi máy tính lâu, xem điện thoại, lướt web quá nhiều… đang góp phần đáng kể gây khởi phát hội chứng "nhớ nhớ, quên quên".
"Nhu cầu giấc ngủ của mỗi người là 7-8 giờ/ngày. Khi làm việc nhiều, từ thể chất đến não bộ không được nghỉ ngơi sẽ dẫn đến quá tải. Đó là một trong những nguyên nhân gây suy giảm trí nhớ ở người trẻ. Bên cạnh đó, chế độ dinh dưỡng thiếu hụt, thiếu máu do thiếu sắt, thiếu vitamin cũng có thể dẫn đến tình trạng suy giảm trí nhớ ở người trẻ" - bác sĩ Hùng chỉ rõ.
Bác sĩ Hùng cũng khuyến cáo ở người trẻ, nếu hay quên gây ảnh hưởng tới các hoạt động học tập, làm việc, cần gặp bác sĩ sớm để thăm khám xem đây có phải là vấn đề về bệnh lý hay sinh lý thông thường. Nếu liên quan đến lối sống thì cần thay đổi những thói quen chưa khoa học. Việc suy giảm trí nhớ ở người trẻ có thể diễn tiến thành chứng sa sút trí tuệ ở người già, đặc biệt là bệnh Alzheimer nếu không được điều trị sớm.
Với người lớn tuổi, người già, nếu nghi ngờ các dấu hiệu hay quên, "lẫn" do sa sút trí tuệ, cần thăm khám sớm để phòng ngừa và điều trị hợp lý. Việc điều trị sớm sẽ giúp ngăn chặn bệnh diễn tiến xấu hơn. Ngoài sử dụng các loại thuốc để củng cố trí nhớ, người bệnh cũng được khuyến khích tham gia các hình thức giải trí có tính chất tập luyện trí nhớ và vận dụng khả năng tư duy như đọc báo, đánh cờ, đố vui hoặc kết hợp điều trị các triệu chứng trầm cảm, lo âu (nếu có).
Hay quên là một trong những triệu chứng sau mắc COVID-19
Một số nghiên cứu được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố trước đó cho biết 3 triệu chứng phổ biến sau khi mắc COVID-19 là mệt mỏi, khó thở và hay quên. Theo đó, hầu hết người mắc COVID-19 đều hồi phục hoàn toàn nhưng có nhiều bằng chứng cho thấy có khoảng 10% - 20% số người mắc gặp những triệu chứng kéo dài, kể cả sau khi đã khỏi bệnh.
Về hội chứng rối loạn nhận thức hậu COVID-19 được giới chuyên môn gọi là tình trạng "sương mù não", tức là người bệnh sẽ khó tập trung, giảm chú ý, giảm trí nhớ, hay quên, khó ngủ, khó nhận thức… Ở hầu hết các trường hợp, "sương mù não" sẽ tự hết trong vài tuần. Tuy nhiên, có những trường hợp tình trạng này sẽ kéo dài nhiều tháng, thậm chí nhiều năm.
Bình luận (0)