Bộ Y tế vừa có văn bản gửi Sở Y tế các địa phương cung cấp thông tin về giám sát phản ứng sau tiêm chủng. Theo đó, đến hết quý 4-2021, cả nước ghi nhận 15 trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng mở rộng, 1 trường hợp tai biến nặng sau tiêm vắc-xin dịch vụ và 277 trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng vắc-xin Covid-19.
Trong 15 trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng trong tiêm chủng mở rộng, ghi nhận 10 trường hợp tai biến nặng sau tiêm vắc-xin 5 trong 1, trong đó 8 trường hợp tai biến nặng sau tiêm vắc-xin "5 trong 1" do SII sản xuất và 2 trường hợp tai biến nặng sau tiêm vắc-xin ComBE Five. Nguyên nhân chủ yếu do phản ứng do đặc tính cố hữu của vắc-xin (hơn 50%); trùng hợp ngẫu nhiên (20%); và không rõ nguyên nhân (27%).
Tiêm chủng vắc-xin Covid-19 cho người dân
Với tiêm chủng vắc-xin Covid19, theo báo cáo của các địa phương, đơn vị triển khai tiêm chủng vắc-xin Covid-19, ghi nhận 1.656.490 trường hợp có phản ứng thông thường sau tiêm chủng, bao gồm các triệu chứng như sốt, sưng đau tại chỗ tiêm, mệt mỏi, nôn/buồn nôn, đau bụng/tiêu chảy…
Cùng đó, ghi nhận 277 trường hợp tai biến nặng (phản vệ độ III, IV, tử vong, chẩn đoán khác...) sau tiêm chủng vắc-xin Covid-19 của AstraZeneca, trong đó hầu hết các trường hợp hồi phục, ổn định
Có 105/277 trường hợp đã được Hội đồng cấp tỉnh họp, kết luận nguyên nhân và báo cáo về Bộ Y tế, trong đó chiếm hơn 50% trường hợp phản ứng do đặc tính cố hữu của vắc-xin, số còn lại do trùng hợp ngẫu nhiên và không rõ nguyên nhân. Hầu hết các trườn hợp tai biến nặng đã tiến hành điều tra trong vòng 24h theo đúng quy định. Không có trường hợp nào thuộc một trong 3 nhóm nguyên nhân: do chất lượng của vắc-xin, do thực hành tiêm chủng, do lo sợ.
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng đề nghị Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện đầy đủ việc báo cáo định kỳ về tình hình sử dụng vắc-xin và phản ứng sau tiêm chủng các vắc-xin trong tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng dịch vụ theo quy định.
Bình luận (0)