Tạp chí khoa học Journal of Infection của Hiệp hội Truyền nhiễm Anh Quốc vừa công bố nghiên cứu "Vai trò của giải mã nhanh toàn bộ bộ gene virus trong đáp ứng phòng chống dịch Covid-19 tại Việt Nam", được thực hiện với sự phối hợp của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, Đơn vị Nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU, đặt tại TP HCM), Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC) và Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM).
Một công đoạn trong quy trình xét nghiệm Covid-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM - Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Công trình này nêu rõ chi tiết việc giải trình tự nhanh bộ gene SARS-CoV-2 ở một số bệnh nhân được ghi nhận tại TP HCM trong đợt bùng phát giáp Tết Tân Sửu vừa qua, bao gồm bệnh nhân 1660 (28 tuổi, đến từ Hải Dương), mang biến chủng B.1.1.7 lây lan nhanh (liên quan đến đợt bùng phát mạnh mẽ ở Anh và các nước châu Âu) và chùm ca bệnh liên quan đến các nhân viên bốc dỡ ở sân bay Tân Sơn Nhất với biến chủng A.23.1 từ Uganda (đã được xác định ở 23 quốc gia và vùng lãnh thổ).
Theo nhóm tác giả dẫn đầu bởi TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, việc giải mã trình tự bộ gene virus giúp phân tích bức tranh dịch tễ học của đợt bùng phát, từ đó giúp giám sát chủ động các biến thể SARS-CoV-2. Việc nâng cao năng lực giải trình tự ở những "điểm nóng" có tầm quan trọng đối với các chương trình nghiên cứu Covid-19 toàn cầu cũng như việc kiểm soát các bệnh nhiễm trùng có thể bùng phát trong tương lai.
Đối với đợt bùng phát vừa qua, việc chuyển từ chẩn đoán RT-PCR đến xác định biến chủng virus SARS-CoV-2 bằng giải trình tự toàn bộ bộ gene chỉ mất 1,5-3 ngày đã đạt được những kết quả tích cực. Các bộ gene dùng cho nghiên cứu được thu từ bệnh nhân 1660 và 5 người khác trong chùm ca 36 người được xác định ngay trước Tết Tân Sửu. Kết quả giải trình tự bộ gene SARS-CoV-2 này đã được báo cáo lập tức đến các đơn vị liên quan như Sở Y tế TP HCM, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) để góp phần định hướng chiến lược phòng, chống dịch.
Bình luận (0)