Ngày 1-11, anh N.V.T, 47 tuổi, đến khám bệnh tại Khoa Hô hấp – Bệnh viện (BV) Đại học Y dược TPHCM vì khó thở, khạc đàm.
Sau khi được đo hô hấp ký, các bác sĩ ở BV Đại học Y Dược ghi nhận anh T. bị bệnh phổi tắt nghẽn mãn tính (COPD) ở giai đoạn nặng, lưu lượng khí thở ra chỉ còn 18% ở đường thở lớn và 7% ở đường thở nhỏ. Bên cạnh đó, nhịp tim của bệnh nhân T. đập rất nhanh: 105 lần/phút để bù đắp cho chức năng phổi đã sa sút.
COPD là bệnh thường gặp ở những người hút thuốc lá, nhưng qua khai thác bệnh sử các bác sĩ được biết anh T. không hút thuốc lá mà anh mắc bệnh do làm trong một nhà hàng có nhiều khói thuốc với thời gian dài.
Việt Nam mắc COPD cao nhất châu Á - Thái Bình Dương
Theo PGS - TS Lê Thị Tuyết Lan, giảng viên Đại học Y Dược TPHCM, với tình trạng sức khỏe của anh T. hiện nay, 20 năm trước anh đã phải thấy bất thường như ho, khó thở, đặc biệt là ho vào buổi sáng sớm. Thế nhưng tất cả những triệu chứng trên đều không được chú ý nên bệnh càng diễn tiến nặng hơn và rất âm thầm.
Lúc đầu, triệu chứng ho chỉ xuất hiện vào buổi sáng, sau đó rải rác cả ngày. Không thể chữa lành được COPD vì các tổn thương thường không hồi phục được (đường dẫn khí đã bị hóa xơ, chít hẹp, vách phế nang đã bị tiêu hủy...).
Hút thuốc lá là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng COPD, 80% bệnh nhân bị COPD do hút thuốc, còn lại do ô nhiễm môi trường, do điều kiện làm việc nhiều khói bụi, do đun khói bếp, do trẻ em mắc hen suyễn từ nhỏ và không được can thiệp đúng.
Khảo sát 12 nước tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương thì Việt Nam là nước có tần suất mắc COPD cao nhất. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỉ lệ tử vong do COPD trên thế giới hiện đứng hàng thứ tư sau bệnh tim mạch, tai biến mạch máu não và ung thư nhưng ở nước ta tử vong do COPD đã đứng thứ 3 sau nhồi máu cơ tim và tai biến mạch máu não. Tình trạng hút thuốc lá tại VN quá cao sẽ còn tiếp tục làm gia tăng tỉ lệ tử vong do COPD.
Điều trị trễ, chi phí tăng gấp 50 lần
Do COPD diễn tiến âm thầm trong thời gian dài nên số trường hợp nặng và rất nặng chỉ chiếm 5%, còn lại 95% là nhẹ và trung bình.
Khi chuyển sang giai đoạn nặng, bệnh nhân ho nhiều hơn nữa và khạc ra nhiều đàm, khó thở cả ngày lẫn đêm, không thể đi làm hay làm các việc lặt vặt trong nhà được. Bệnh nhân dễ bị mệt nên không thể đi băng ngang qua phòng hay lên cầu thang được.
Nếu bệnh được phát hiện và điều trị sớm, bệnh nhân sẽ bớt khó thở, ho và làm chậm quá trình tồn tại ở phổi, có một cuộc sống khỏe mạnh và dễ chịu hơn. Tuy nhiên, qua ghi nhận của BV Đại học Y Dược, chỉ có 22% bệnh nhân được phát hiện ở giai đoạn nhẹ và trung bình, còn lại 78% bệnh nhân đến bác sĩ khi bệnh đã quá nặng làm họ không thể hoạt động được.
Còn tại BV Phạm Ngọc Thạch (TPHCM), chỉ có 6% bệnh nhân COPD đến khám khi vừa phát hiện những triệu chứng khó thở, 94% bệnh nhân đến gặp bác sĩ khi không thể tự làm những việc vặt.
Theo bác sĩ Nguyễn Xuân Bích Huyên, Trưởng Khoa Hô hấp – BV Chợ Rẫy, khoảng 20% bệnh nhân nằm tại khoa hô hấp nhập viện trong tình trạng những cơn COPD kịch phát cấp làm gia tăng nguy cơ tử vong và đặc biệt làm tăng chi phí điều trị gấp nhiều lần.
Nếu bệnh nhân phát hiện và kiểm soát những cơn tắt nghẽn hô hấp ở giai đoạn sớm, chi phí uống thuốc ngoại trú mỗi ngày chỉ khoảng 20.000 đồng. Còn nếu bệnh nhân nhập viện vào những đợt cấp nhẹ, chi phí điều trị mỗi ngày khoảng 100.000 đồng và thời gian nằm viện khoảng 7 ngày.
Bệnh nhân nhập viện ở đợt cấp trung bình kèm theo suy hô hấp phải nằm viện từ 10-14 ngày với chi phí tăng lên khoảng 500.000 đồng/ngày.
Khi bệnh nhân nhập viện ở đợt cấp nặng, phải nằm viện từ 21-30 ngày và chi trả hơn 1 triệu đồng viện phí/ngày. So với giai đoạn điều trị vừa uống thuốc ngăn ngừa và cắt những cơn kịch phát chỉ 20.000 đồng/ngày thì chi phí này tăng gấp hơn 50 lần.
Tuy nhiên, ngay cả khi bệnh nhân tốn kém và kéo dài thời gian nằm viện thì nguy cơ “xuất viện cửa sau” vẫn cứ gia tăng. Gần đây nhất là một bệnh nhân bị COPD vào đợt kịch phát cấp được điều trị tại BV Chợ Rẫy, mặc dù tốn 66 triệu đồng nhưng vẫn tử vong do suy hô hấp nặng.
BHYT ngừng chi trả cho bệnh nhân COPD Hầu hết bệnh nhân COPD đều để bệnh kịch phát nặng mới chịu nhập viện vì họ nghĩ rằng nhập viện trong tình trạng cấp cứu sẽ được bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả, còn nếu tự uống thuốc can thiệp sớm mỗi ngày thì bệnh nhân phải tự trả bằng tiền túi. Tuy nhiên, từ tháng 10-2007, BHYT không chi trả cho những trường hợp bị viêm khớp, hen suyễn và COPD điều trị ở tuyến trên vì BHYT cho rằng đây không phải là những bệnh mãn tính được hưởng chế độ chi trả. Trong khi đó, nếu bệnh nhân vẫn ở tuyến dưới thì cơ sở y tế không đủ thuốc và trang thiết bị để điều trị cho bệnh nhân vào những đợt cấp vì bệnh nhân cần có máy thở cung cấp ô xy, máy đặt nội khí quản. Bác sĩ Nguyễn Xuân Bích Huyên cho rằng chính sự phân cấp này gây thiệt thòi cho người bệnh, làm tăng nguy cơ tử vong vì nhiều bệnh nhân sẽ bỏ cuộc do không đủ chi phí điều trị. Ngay cả khi bệnh nhân chi trả được khoản viện phí thì nguy cơ tử vong vẫn cao do đối với bệnh nhân suy hô hấp cần có chế độ hỗ trợ dinh dưỡng đặc biệt rất tốn kém. |
Bình luận (0)