Đánh giá chính thức về EG.5 vừa được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố trong thông cáo báo chí toàn cầu rạng sáng 10-8 (giờ Việt Nam).
Theo WHO, biến chủng EG.5 là dòng dõi con cháu của XBB.1.9.2, có cấu hình axit amin spike giống như XBB.1.5, là một trong những biến chủng đóng vai trò chính trong làn sóng COVID-19 lan từ châu Mỹ, châu Âu sang châu Á từ cuối năm 2022 đến đầu năm 2023.
Logo của WHO và virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 - Ảnh: BBC
Kể từ ngày 7-8, 7354 trình tự Omicron EG.5 đã được gửi tới cơ sở dữ liệu chung toàn cầu GISAID từ 51 quốc gia. Nhiều nhất là từ Trung Quốc (30,6%), tiếp theo là Mỹ (18,4%), Hàn Quốc (14,1%), Nhật Bản (11,1%), Canada (5,3%). Một số quốc gia khác có tỉ lệ từ trên dưới 2% là Úc, Singapore, Anh, Pháp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha.
"EG.5 được báo cáo lần đầu vào ngày 17-2 năm nay, và được chỉ định là biến chủng đang được giám sát (VUM) vào ngày 19-7. Với đánh giá rủi ro này, chúng tôi chỉ định EG.5 và các dòng phụ của nó là biến chủng cần quan tâm (VOI)" - WHO cho biết.
Như vậy, WHO đã "nâng cấp" EG.5 lên một bậc, bởi VOI là mức cảnh báo cao hơn so với VUM. Các VOI hiện tại còn bao gồm XBB.1.5, XBB.1.6.
VOI chỉ thấp hơn một bậc so với VOC (biến chủng gây lo ngại), bao gồm chủng gốc, Alpha, Delta, Omicron ban đầu...
Cũng theo các chuyên gia WHO, EG.5 mang đột biến axit amin F456L bổ sung trong protein gai so với biến thể phụ XBB.1.9.2 gốc và XBB.1.5.
Trong dòng EG.5, biến thể phụ EG.5.1 có đột biến protein gai bổ sung Q52H và chiếm 88% các trình tự có sẵn cho EG.5 và các dòng con cháu của nó.
Các thay đổi này được cho là giúp EG.5 có lợi thế về tăng trưởng (tức dễ thoát miễn dịch và lây lan nhanh).
Mới đây, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) tuyên bố EG.5 chính thức thành biến chủng thống trị các ca mắc mới, tức tỉ lệ đã vượt qua các dòng Omicron tiền nhiệm.
Trên toàn cầu, sự gia tăng ổn định về tỷ lệ EG.5 đã được báo cáo. Trong tuần dịch tễ học 29 (17 đến 23-7), tỷ lệ lưu hành toàn cầu của EG.5 là 17,4%. Đây là mức tăng đáng chú ý so với dữ liệu được báo cáo 4 tuần trước đó (tuần 25, ngày 19 đến 25-6), khi tỷ lệ nhiễm EG.5 trên toàn cầu chỉ là 7,6%.
Dựa trên bằng chứng sẵn có, rủi ro sức khỏe cộng đồng do EG.5 gây ra được đánh giá vẫn là thấp ở cấp độ toàn cầu.
Mặc dù EG.5 đã cho thấy tỷ lệ lưu hành, lợi thế tăng trưởng và các đặc tính trốn tránh miễn dịch gia tăng, nhưng cho đến nay vẫn chưa có báo cáo nào về sự thay đổi về mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Tỉ lệ nhập viện do EG.5 và COVID-19 tăng đồng thời (thấp hơn so với các đợt trước) đã được ghi nhận ở các quốc gia như Nhật Bản và Hàn Quốc, nhưng không có mối liên hệ nào giữa các trường hợp nhập viện này và EG.5.
Trước đó, CDC Mỹ cũng đánh giá EG.5 "không nguy hiểm hơn các biến chủng trước".
Tuy nhiên, do lợi thế tăng trưởng và các đặc điểm thoát khỏi miễn dịch, EG.5 có thể làm tăng tỉ lệ mắc bệnh và trở nên chiếm ưu thế ở một số quốc gia hoặc thậm chí trên toàn cầu.
WHO và Nhóm tư vấn kỹ thuật về sự tiến hóa của SARS-CoV-2 (TAG-VE) khuyến nghị các quốc gia thành viên tiếp tục theo dõi, giám sát và nghiên cứu về EG.5.
Bình luận (0)