Theo văn bản mà Báo Người Lao Động nhận được từ WHO sáng 12-1, tuần qua toàn thế giới báo cáo thêm hơn 2,898 triệu ca COVID-19 mới và 11.134 ca tử vong, giảm lần lượt 9% và 12% so với tuần trước.
Khu vực "nóng" nhất là Tây Thái Bình Dương - cũng là khu vực dịch tễ WHO xếp Việt Nam vào - với hơn 1,691 triệu ca mới, chiếm 58% số ca toàn cầu, tăng 1% so với tuần trước và tăng 22% so với 1 tháng trước đó. Khu vực này cũng ghi nhận 3.409 ca tử vong mới, chiếm 31% số ca tử vong toàn cầu.
Bản đồ tỉ lệ số ca mắc mới trong tuần qua, trong đó Việt Nam được biểu thị màu xanh dương đậm cho thấy tỉ lệ giảm sâu; trong khi Nhật Bản và Hàn Quốc được tô màu cam thể hiện tỉ lệ khá cao (10-50 ca/100.000 dân) - Ảnh: WHO
Nguyên nhân chính gây ra số liệu "khủng" của Tây Thái Bình Dương vẫn là tình hình còn căng thẳng ở 3 nước châu Á Nhật Bản - Hàn Quốc - Trung Quốc.
Sau một đợt giảm nhẹ, số ca COVID-19 của Nhật Bản tăng lại trong tuần qua với hơn 1,070 triệu ca, chiếm hơn 1/3 số ca toàn cầu và tăng 13% so với tuần trước. Hàn Quốc đã "hạ nhiệt" với hơn 403.000 ca, giảm 12%. Trung Quốc báo cao 204.609 triệu ca, giảm 6%.
Về số ca tử vong ở khu vực này, đáng chú ý nhất là Nhật Bản với 2.149 ca, nâng tỉ lệ tử vong trên dân số lên tới 1,7 ca/100.000 dân. Hầu hết các nước còn lại trên thế giới, bao gồm Hàn Quốc và Trung Quốc, báo cáo tỉ lệ tử vong dưới 1 ca/100.000 dân.
Trên bản đồ tỉ lệ số ca mới lẫn bản đồ tỉ lệ tử vong do COVID-19 của WHO, Việt Nam được đánh dấu màu xanh dương - biểu thị sự giảm mạnh về tỉ lệ số ca lẫn số tử vong trên dân số trong tuần qua.
Trong 5 khu vực dịch tễ còn lại thì châu Mỹ báo cáo hơn 771.000 ca mới, giảm 7% sau vài tuần gia tăng. Châu Âu báo cáo hơn 418.000 ca, giảm mạnh 36%. Ba khu vực Đông Địa Trung Hải, Đông Nam Á và châu Phi báo cáo số ca không đáng kể.
Phát biểu tại cuộc họp báo toàn cầu tối 11-1, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus một lần nữa kêu gọi các quốc gia tăng cường giải trình tự gien SARS-CoV-2: "Giải trình tự vẫn rất quan trọng để phát hiện và theo dõi sự xuất hiện và lan truyền của các biến chủng mới, như XBB.1.5. Chúng tôi kêu gọi tất cả các quốc gia đang trải qua quá trình lây truyền mạnh mẽ tăng cường giải trình tự và chia sẻ các trình tự đó".
Công bố chính thức về XBB.1.5
Cũng trong sáng 12-1, WHO đã phát hành báo cáo chính thức từ Nhóm cố vấn kỹ thuật về sự tiến hóa virus SARS-CoV-2 (TAG-VE) về kết quả cuộc họp đặc biệt để đánh giá về biến chủng XBB.1.5 đang gây lo ngại khi chiếm tỉ lệ ngày càng cao ở Mỹ.
Về khả năng thoát miễn dịch của XBB.1.5, TAG-VE xác định nó cùng với các nhánh khác của biến chủng XBB hay BQ.1 là những dòng SARS-CoV-2 thoát miễn dịch mạnh mẽ nhất đang được lưu hành. Tuy nhiên, khác với những suy đoán gây lo ngại trước đó của các cơ quan y tế khác, TAG-VE chỉ đánh giá XBB.1.5 ngang hàng với XBB.1.
Vào cuối năm 2022, XBB và XBB.1 đã lưu hành ở nhiều quốc gia châu Á nhưng chưa phổ biến ở Mỹ, nơi thời điểm đó bị "chiếm sóng" bởi BQ.1 và BQ.1.1. Hiện nay, mức tăng vọt của XBB.1.5 chủ yếu ghi nhận tại Mỹ và theo WHO, còn quá sớm để đánh giá toàn cầu với dữ liệu chủ yếu chỉ từ một quốc gia.
Đánh giá huyết thanh của những người từng nhiễm đột phá các dòng Omicron khác như BA.1, BA.5 và BF.7, đã tiêm 3-4 liều vắc-xin ngừa COVID-19 mRNA cho thấy hiệu giá trung hòa trước XBB.1.5 là thấp.
Về nguy cơ gây bệnh nặng, không có đủ bằng chứng lâm sàng về sự thay đổi độc lực của biến chủng này so với các dòng trước. XBB.1.5 cũng không mang bất kỳ đột biến nào được biết là có liên quan đến việc làm thay đổi nguy cơ gây bệnh nghiêm trọng.
TAG-VE kết luận rằng biến chủng này có khả năng làm tăng tỉ lệ số ca mắc trên toàn cầu, nhưng mức tin cậy của đánh giá vẫn là thấp vì lợi thế tăng trưởng chỉ mới được ghi nhận rõ ở 1 quốc gia (Mỹ).
Bình luận (0)