Theo báo cáo COVID-19 toàn cầu mà Báo Người Lao Động nhận được từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) sáng 19-5, trong chu kỳ 28 ngày gần nhất, toàn thế giới ghi nhận thêm 2,592 triệu ca mắc mới và 17.106 ca tử vong mới do COVID-19.
Trong khi xu hướng giảm ghi nhận ở hầu hết các khu vực, hai khu vực dịch tễ là Tây Thái Bình Dương và Đông Nam Á, tương ứng với phần lớn châu Á, châu Úc địa lý, thể hiện xu hướng gia tăng mạnh.
Bản đồ thể hiện sự gia tăng về tỉ lệ ca mắc COVID-19, trong đó màu cam, đỏ thể hiện mức tăng và tăng mạnh, màu vàng thể hiện tỉ lệ hầu như giữ nguyên hoặc tăng ít, màu xanh và xanh dương thể hiện mức giảm và giảm sâu - Ảnh: WHO
Tây Thái Bình Dương - khu vực mà WHO xếp Việt Nam vào - chiếm tới 40% số ca COVID-19 được báo cáo trên toàn cầu: hơn 1,043 triệu ca, tăng 47% so với chu kỳ 28 ngày trước đó dù số ca tử vong giảm 14%, tương ứng 1.402 ca.
Có tới 40% quốc gia Tây Thái Bình Dương báo cáo số ca tăng trên 20% so với chu kỳ trước, với 3 nước có tỉ lệ gia tăng cao nhất là Việt Nam (1.741%), Mông Cổ (906%) và Philippines (321%). Trong đó Việt Nam tuy số ca báo cáo không quá cao so với khu vực (59.211 ca), nhưng tỉ lệ tăng vọt là do chu kỳ 28 ngày trước đó chỉ có 3.271 ca.
Ba quốc gia có số ca cao nhất Tây Thái Bình Dương là Hàn Quốc (418.960 ca, tăng 46%), Nhật Bản (229.877 ca, tăng 15%) và Úc (116.621 ca, tăng 46%). Đây cũng là ba nước có số tử vong cao nhất khu vực, Nhật có 474 ca, Úc có 362 ca và Hàn Quốc có 231 ca.
Khu vực châu Âu và châu Mỹ có số ca mắc nhiều thứ 2 và 3, tương ứng với hơn 687.000 và hơn 606.000 ca. Tuy nhiên đây là hai khu vực mà số báo cáo tử vong chiếm phần lớn số ca tử vong toàn cầu, lần lượt là 5.814 và 8.143, dù đã giảm mạnh so với chu kỳ trước.
Trong đó Mỹ vẫn là một trong những quốc gia "nóng" nhất với số ca mắc là 355.829, số ca tử vong lên đến 5.333 người.
Khu vực dịch tễ Đông Nam Á (không bao gồm bán đảo Đông Dương nhưng bao gồm Ấn Độ và vài nước lân cận) báo cáo số ca tăng 52% và số tử vong tiếp tục tăng 153%. Tuy nhiên đây đã là mức tăng thấp hơn nhiều so với báo cáo các tuần trước, khi tỉ lệ gia tăng toàn khu vực có khi đạt trên 600%.
Các quốc gia có tỉ lệ gia tăng cao nhất trong khu vực là Myanmar, Thái lan, Timor-Leste. Trong khi các quốc gia có số ca nhiều nhất là Ấn Độ, Indonesia và Thái Lan.
Đông Địa Trung Hải, khu vực dịch tễ bao gồm phần lớn Tây Á địa lý, là nơi bùng phát làn sóng mới cùng lúc với Ấn Độ, báo cáo số ca giảm sâu 42%. Châu Phi báo cáo số ca không đáng kể.
Bình luận (0)