Báo cáo được WHO gửi đến các cơ quan báo chí rạng sáng 21-7 (giờ Việt Nam) cho thấy toàn thế giới có gần 6,3 triệu ca Covid-19 mới trong tuần qua, trong đó khu vực châu Âu vẫn chiếm số ca lớn nhất (2,785 triệu ca), tuy nhiên đã giảm 16% so với số ca mới tuần trước, cho thấy tốc độ gia tăng có thể đang chậm lại.
Bản đồ dịch tễ của WHO, với các quốc gia có màu đỏ càng sậm thì càng có tỉ lệ số ca trên dân số cao - Ảnh: WHO
Đây là thống kê dựa trên dữ liệu dịch tễ được ghi nhận từ ngày 11 đến 17-7. Tốc độ gia tăng cao nhất được ghi nhận ở khu vực Tây Thái Bình Dương, là khu vực bao gồm Việt Nam và các nước nằm trên bán đảo Đông Dương khác, với số ca mới là 1,44 triệu ca, cao hơn 37% so với số ca mới tuần trước đó. Khu vực châu Mỹ xếp thứ 2 với tỉ lệ gia tăng là 9%, trong khi khu vực Đông Nam Á của WHO tăng nhẹ 5%.
Số ca mới so với tuần trước cũng giảm 1% ở khu vực Đông Địa Trung Hải và giảm 27% ở khu vực châu Phi.
Số ca tử vong toàn thế giới giảm 1% so với tuần trước, trong đó tăng ở các khu vực Đông Nam Á (cao nhất, tăng 20%), khu vực châu Mỹ và khu vực Đông Địa Trung Hải, các khu vực còn lại số tử vong giảm. Tây Thái Bình Dương tuy tỉ lệ về số ca mới tăng cao nhất nhưng tỉ lệ về số ca tử vong trong tuần lại giảm 3%.
Ở Tây Thái Bình Dương, đáng chú ý nhất là Nhật Bản (550.111 ca) và Hàn Quốc (249.912 ca), tăng lần lượt 107% và 104% so với số ca mới tuần trước đó. Lào tăng 171%, nhưng dựa trên số ca thấp (149 ca so với 55 ca vào tuần trước).
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết tại buổi họp báo về tình hình dịch tễ toàn cầu hôm 20-7 rằng trong 6 tuần qua, số ca Covid-19 được báo cáo hàng tuần trên toàn cầu đã tăng gần gấp đôi.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus tại một cuộc họp - Ảnh: WHO
Số người tử vong cũng tăng lên tuy không nhiều như trong các làn sóng trước đây. Tuy nhiên, nhiều trường hợp hơn có nghĩa là chúng ta có thể mong đợi sẽ thấy nhiều ca nhập viện và tử vong hơn trong những tuần tới.
Vì thế, tiến sĩ Tedros khuyến nghị các quốc gia tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp chống lại dịch Covid-19 hữu hiệu nhất cho đến thời điểm này: Vắc-xin, xét nghiệm, phương pháp điều trị và các công cụ y tế công cộng.
BA.5 Omicron vẫn là dòng ưu thế
Cũng trong tuần lễ này, 200.845 trình tự gien SARS-CoV-2 được giải mã để giám sát cũng đã được gửi tới cơ sở dữ liệu toàn cầu GISAID.
Thống kê của WHO cho thấy biến chủng phụ BA.5 của Omicron vẫn chiếm ưu thế toàn cầu với tỉ lệ 53,59%. BA.4 hay song hành với nó chiếm 10,57%, trong khi BA.2.12.1 chỉ còn 4,51% và BA.2 chỉ còn 2,61%.
Tuy ít về tỉ lệ trong số các trình tự gien được thống kê, nhưng BA.2.75 gây chú ý vì đã xuất hiện ở 15 quốc gia, tuy nhiên WHO không nêu rõ những quốc gia nào.
BA.2.75 được ghi nhận cách đây không lâu tại Ấn Độ, mang nhiều đột biến thoát miễn dịch và có những biểu hiện cho thấy nó lây nhanh, nên được các nhà khoa học cảnh giác và theo dõi chặt chẽ vì lo ngại nó có thể trở thành một dòng ưu thế mới.
Bình luận (0)