Từ ngày 20-10, COVID-19 không còn là bệnh truyền nhiễm nhóm A mà chuyển sang thuộc nhóm B của Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007.
Giám sát COVID-19 như bệnh cúm
Theo GS-TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, việc chuyển nhóm bệnh đối với COVID-19 là do thực tiễn diễn biến dịch tại Việt Nam cho thấy bệnh không còn đáp ứng các tiêu chí dịch bệnh truyền nhiễm nhóm A.
"Bộ Y tế sẽ lồng ghép giám sát COVID-19 vào hệ thống giám sát tác nhân gây bệnh đường hô hấp, bao gồm: giám sát trọng điểm hội chứng cúm, giám sát viêm phổi nặng do virus, giám sát đặc điểm di truyền của virus SARS-CoV-2 để theo dõi các biến thể của virus. Bộ cũng sẽ đánh giá nguy cơ định kỳ và đột xuất, triển khai các đáp ứng trong phòng chống dịch tương ứng với các mức nguy cơ" - ông Lân nói.
Như vậy sau hơn 3 năm bùng phát, đến nay, COVID-19 đã được coi là bệnh thông thường. Từ đầu năm 2023 đến nay, số ca nhiễm COVID-19 giảm 12 lần so với năm 2021 và 68 lần so với năm 2022. Tỉ lệ tử vong do COVID-19 còn 0,02%, tương đương hoặc thấp hơn một số bệnh truyền nhiễm phổ biến tại Việt Nam 5 năm gần đây như: sốt xuất huyết, sốt rét, bạch hầu, ho gà.
Dù COVID-19 là bệnh nhóm B nhưng Bộ Y tế vẫn khuyến cáo người dân đeo khẩu trang ở nơi công cộng
Bộ Y tế cho biết các nhà khoa học đã xác định rõ tác nhân gây bệnh COVID-19 là virus SARS-CoV-2. Nước ta đã tiêm hơn 266,5 triệu liều vắc-xin COVID-19 và là một trong những quốc gia có tỉ lệ bao phủ vắc-xin này cao nhất thế giới. Do đó, hiện COVID-19 đáp ứng các tiêu chí của bệnh truyền nhiễm nhóm B là "các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong". Cùng nhóm B còn có bệnh cúm, sởi, sốt xuất huyết, lao phổi...
Việc COVID-19 là bệnh thông thường kéo theo nhiều thay đổi trong chính sách chống dịch. Bệnh COVID-19 thuộc nhóm B, thời gian ủ bệnh trung bình là 4 ngày, thời gian không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh mới là 8 ngày. Theo quy định trước đó, thời gian ủ bệnh trung bình là 14 ngày và thời gian không phát hiện thêm trường hợp mắc mới là 28 ngày. Bộ Y tế cho rằng việc quy định giảm thời gian ủ bệnh và không phát hiện ca nhiễm COVID-19 mới dựa trên căn cứ khoa học, tình hình dịch bệnh và khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng như Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ.
Chưa bỏ khuyến cáo đeo khẩu trang
Chiều 20-10, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động tại buổi gặp mặt báo chí cung cấp thông tin về chuyển nhóm bệnh COVID-19, GS Phan Trọng Lân cho biết việc đeo khẩu trang trong cộng đồng tiếp tục được Bộ Y tế khuyến khích tại những điểm tập trung đông người, đặc biệt trên các phương tiện công cộng để người dân phòng bệnh đường hô hấp, trong đó có COVID-19.
"Đối với người bị COVID-19, chúng tôi khuyến cáo đeo khẩu trang trong thời gian 10 ngày kể từ khi có dấu hiệu bệnh. Ngoài ra, người chăm bệnh nhân COVID-19 cũng nên đeo khẩu trang..." - GS Lân nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế, nói trong các cơ sở khám chữa bệnh nên duy trì đeo khẩu trang, vì ngoài COVID-19 còn có nhiều tác nhân khác có thể gây bệnh truyền nhiễm. Hiện chưa có quy định nào về việc bỏ đeo khẩu trang ở cơ sở khám chữa bệnh.
Về điều trị COVID-19, ông Khoa cho hay kể cả khi bệnh thuộc nhóm B vẫn có thể có trường hợp bệnh nặng, nên phác đồ điều trị vẫn theo hướng dẫn cập nhật mới nhất tính đến tháng 6-2023.
Đại diện Bộ Y tế cũng cho biết hiện WHO chưa có khuyến cáo tiêm vắc-xin COVID-19 hằng năm. Thời gian tới, dựa trên những yếu tố thực tiễn cũng như biến chủng mới của COVID-19, Bộ Y tế sẽ có khuyến cáo phù hợp. Trong năm 2023, việc tiêm vắc-xin COVID-19 vẫn được miễn phí.
Liên quan đến công tác phòng dịch, PGS-TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng, cho rằng vẫn cần có những giám sát, đánh giá nguy cơ vì dù WHO nhận định COVID-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu nhưng không thể mất cảnh giác.
"COVID-19 vẫn có thể có những biến chủng mới do tính không ổn định của virus này. Việc giám sát nguy cơ sẽ giúp chúng ta không bị động trước diễn biến bất thường của dịch bệnh. Ngoài ra, cần truyền thông để người dân không hoang mang nhưng cũng không chủ quan, mất cảnh giác" - PGS Phu lưu ý.
Bệnh nhân COVID-19 tự trả viện phí nếu không có BHYT
Về thanh toán chi phí điều trị COVID-19 thời gian tới, ông Phan Văn Toàn, Phó Vụ trưởng Vụ BHYT - Bộ Y tế, cho biết được chia ra 2 tình huống: Nếu điều trị từ ngày 19-10 trở về trước sẽ được ngân sách nhà nước chi trả và từ ngày 20-10, quỹ BHYT sẽ thanh toán. Trường hợp người bệnh vào viện trước ngày 20-10 và ra viện từ ngày 20-10 trở về sau, quỹ BHYT vẫn thanh toán theo nguyên tắc bệnh thuộc nhóm A.
Thăm khám cho bệnh nhân mắc COVID-19
"Người bệnh đi khám chữa bệnh COVID-19 phải thực hiện theo quy định, tức là đúng tuyến thì sẽ được thanh toán theo quy định của BHYT. Nếu tự đi khám chữa bệnh không đúng tuyến thì sẽ phải chi trả phần cùng chi trả hoặc tự chi trả. Trường hợp người bệnh không tham gia BHYT thì tự thanh toán" - ông Toàn nói.
Bình luận (0)