Theo báo cáo dịch tễ COVID-19 toàn cầu mà Báo Người Lao Động nhận được từ WHO sáng 31-3, trong chu kỳ 28 ngày gần nhất toàn thế giới báo cáo thêm hơn 3,57 triệu ca COVID-19 mới và 25.157 ca tử vong mới, giảm lần lượt 27% và 39% so với chu kỳ trước.
Ba vùng dịch tễ tiếp tục đứng đầu bảng là châu Âu, châu Mỹ, Tây Thái Bình Dương (khu vực WHO xếp Việt Nam vào), một phần do việc xét nghiệm COVID-19 vẫn còn phổ biến.
Bản đồ thay đổi về tỉ lệ số ca mắc COVID-19 mới - Ảnh: WHO
Trong đó châu Âu báo cáo hơn 1,48 triệu ca mới (giảm nhẹ 1%) cùng 10.357 ca tử vong mới (giảm 7%).
Trên bản đồ thể hiện sự thay đổi về tỉ lệ ca mắc COVID-19, một số quốc gia bị tô đỏ trong nhiều tuần qua như Nga, Ukraine, Phần Lan, Thụy Sĩ... đã được thay bằng màu vàng (không thay đổi) hoặc màu xanh lục (giảm).
Ngược lại, màu cam và nhiều nhất là màu đỏ (thể hiện mức tăng và tăng mạnh) xuất hiện phổ biến ở phía Nam của châu lục, ven biển Địa Trung Hải.
Châu Mỹ xếp thứ hai với hơn 1,1 triệu ca mắc mới (giảm 29%), 10.736 ca tử vong mới (giảm 38%). Màu xanh lục bao phủ hầu hết châu lục, trừ vài nước ở Nam Mỹ như Chile, Peru, Uruguay... Mỹ vẫn chiếm phần lớn số ca của châu lục với 678.002 ca mắc mới và 7.909 ca tử vong mới do COVID-19 dù cũng mang màu xanh lục.
Tây Thái Bình Dương cũng chứng kiến sự giảm mạnh của 3 điểm nóng Trung Quốc - Nhật Bản - Hàn Quốc, báo cáo tổng cộng 905.000 ca mắc mới. Hàn Quốc báo cáo 270.000 ca (giảm 23%), Trung Quốc báo cáo 255.961 ca (giảm 52%) và Nhật Bản báo cáo 242.894 ca (giảm 68%).
Việt Nam tiếp tục được tô màu xanh lục, cho thấy số ca giảm.
Tuy nhiên 23% quốc gia ở Tây Thái Bình Dương cũng thể hiện số ca mắc mới gia tăng, chủ yếu ở khu vực các đảo quốc. Trên bản đồ của WHO, Indonesia, Philippines, Timor Leste mang màu cam.
Tuy xét nghiệm không nhiều khiến số ca báo cáo chỉ vài chục ngàn, nhưng sự thay đổi về tỉ lệ thông qua các xét nghiệm giám sát thể hiện rõ một làn sóng mới ở hai khu vực dịch tễ Đông Địa Trung Hải và Đông Nam Á, với mức tăng tận 142% và 152% so với chu kỳ trước.
Số ca chủ yếu của hai vùng này tập trung ở khu vực Nam Á và Tây Á địa lý, bao gồm Ấn Độ tăng cao nhất với 437% (18.130 so với 3.378 của chu kỳ trước). Các nước gần đó như Pakistan, Iran, Ả Rập Saudi, Bhutan, Bangladesh, Nepal, Myanmar... cũng mang màu đỏ trên bản đồ của WHO.
Châu Phi báo cáo số ca không đáng kể nhưng nhiều nước cũng thể hiện sự thay đổi rõ ràng về tỉ lệ, chủ yếu ở khu vực Bắc Phi.
Sự áp đảo của dòng XBB.1.5 tiếp tục thể hiện qua các trình tự gien SARS-CoV-2 được giải mã giám sát và tổng hợp về cơ sở dữ liệu chung GISAID, cho thấy 45,06% là XBB.1.5, là dòng thể hiện tốc độ lây lan nhanh nhất hiện nay.
Đánh giá trước đó của nhóm chuyên gia WHO cho biết biến chủng phụ mới này có thể kích hoạt làn sóng mới do sự lây nhanh và thoát miễn dịch cao; tuy nhiên không thay đổi về độc lực (khả năng gây bệnh nặng) và vắc-xin COVID-19 vẫn có hiệu quả chống lại bệnh nặng đối với dòng này.
Theo khuyến nghị mới được cập nhật hôm 28-3 của WHO, các mũi vắc-xin COVID-19 tăng cường tiếp tục được chỉ định cho người cao tuổi, bệnh nền nặng, suy giảm miễn dịch (có nhiễm HIV, ghép tạng...), người mang thai và nhân viên y tế tuyến đầu, tiêm nhắc mỗi 6-12 tháng tùy theo tình hình từng quốc gia và vùng lãnh thổ.
Trong khi đó WHO không còn khuyến cáo tiêm nhắc đối với người khỏe mạnh dưới 60 tuổi và trẻ em, thiếu niên có bệnh nền nếu như họ đã tiêm xong các liều cơ bản và mũi tăng cường thứ nhất (thường là 3 mũi); đồng thời không còn khuyến nghị tiêm chủng ở trẻ em và thiếu niên khỏe mạnh, trao quyền quyết định lại cho các quốc gia.
Bình luận (0)