Theo báo cáo dịch tễ hàng tuần của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ghi nhận Tây Thái Bình Dương - là khu vực mà WHO xếp Việt Nam vào - vẫn là khu vực dịch tễ có số ca mắc Covid-19 cao nhất thế giới với gần 2,4 triệu ca, chiếm 52% số ca toàn cầu.
Theo sau đó là khu vực châu Âu với hơn 1,1 triệu ca, châu Mỹ với gần 116.000 ca. Ba khu vực còn lại (Đông Nam Á, Đông Địa Trung Hải, châu Phi) chỉ chiếm 5% số ca toàn cầu.
Bản đồ dịch tễ của WHO thể hiện mức độ phổ biến của bệnh Covid-19 toàn cầu tuần qua, màu càng sậm thì tỉ lệ mắc trên dân số càng cao - Ảnh: WHO
Tuy số ca vẫn cao nhưng với 2,4 triệu ca, Tây Thái Bình Dương đã giảm tới 15% so với tuần lễ trước đó. Tuy nhiên tỉ lệ tử vong ở khu vực này lại tăng nhẹ (3%).
Đây cũng là khu vực có 2 quốc gia có số ca mắc Covid-19 cao nhất thế giới là Nhật Bản với hơn gần 1,26 triệu ca và Hàn Quốc với hơn 743.000 ca. Hai quốc gia này cũng có số ca tử vong tăng lần lượt 23% và 25%.
Với tận 1990 người chết vì Covid-19, tỉ lệ tử vong do Covid-19 trên dân số của Nhật Bản cũng vọt lên mức cao nhất thế giới, ngang bằng Úc: 1,6 người chết/100.000 dân.
Về số ca mới thì ở Tây Thái Bình Dương có Trung Quốc gây chú ý với hơn 194.000 ca được báo cao, tăng 13% so với tuần trước.
Trên bản đồ tỉ lệ mắc Covid-19 của WHO, Việt Nam được đánh dấu bằng màu vàng đậm, là mức thứ 2 từ thấp đến cao với số ca nằm trong khoảng 10-50 ca mắc/100.000 dân. Tỉ lệ tử vong ở Việt Nam thuộc hàng thấp nhất thế giới, được hiển thị với màu xanh lá cây nhạt trên bản đồ tử vong (dưới 0,5 ca tử vong/100.000 dân).
Tổng Giám đốc WHO kêu gọi lấp đầy khoảng trống tiêm chủng
Tại cuộc họp báo ngày 31-8, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết tuần qua thế giới chứng kiến sự sụt giảm đáng hoan nghênh về Covid-19, tuy nhiên với thời tiết lạnh hơn đang đến gần ở Bắc bán cầu, số ca nhập viện và tử vong có thể lại gia tăng trong những tháng tới.
"Các biến chủng phụ của Omicron có khả năng lây truyền cao hơn so với các biến chủng tiền nhiệm của chúng, và nguy cơ xuất hiện các biến chủng truyền nhiễm nguy hiểm hơn vẫn còn" - tiến sĩ Tedros nói.
Theo ông, mối lo lớn nhất vẫn là các "khoảng trống vắc-xin", đặc biệt là tình trạng nhiều đối tượng nguy cơ (người lớn tuổi, bệnh nền) và cả nhân viên y tế ở các quốc gia thu nhập thấp cho đến nay vẫn chưa được tiêm chủng đầy đủ.
Người đứng đầu WHO kêu gọi người dân toàn cầu "vui lòng tiêm phòng nếu chưa, và tiêm nhắc lại nếu bạn được khuyến nghị".
Bình luận (0)