Theo báo cáo dịch tễ mà Báo Người Lao Động nhận được từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hôm 2-3, khu vực dịch tễ có Việt Nam là Tây Thái Bình Dương (gồm một phần châu Á và châu Úc) vẫn đứng đầu thế giới về số ca mắc COVID-19 mới với hơn 1,76 triệu ca trong chu kỳ 28 ngày qua (chiếm 37% toàn cầu), số ca tử vong đứng hàng thứ 2 với hơn 12.132 người.
Ba nước có số ca mắc mới lớn nhất vẫn là Nhật Bản (752.935 ca), Trung Quốc (537.561 ca), Hàn Quốc (349.277 ca), giảm lần lượt 77%, 95% và 66% so với chu kỳ 28 ngày trước. Số ca tử vong ở Trung Quốc và Nhật Bản vẫn cao tuy giảm mạnh, lần lượt là 5.915 ca và 4.818 ca.
Bản đồ thể hiện sự thay đổi tỉ lệ ca mắc 28 ngày qua so với chu kỳ 28 ngày trước - Ảnh: WHO
Tuy vậy hầu hết Tây Thái Bình Dương vẫn được WHO tô màu xanh dương hoặc xanh lục trên cả hai bản đồ thể hiện sự thay đổi tỉ lệ ca mắc và ca tử vong so với chu kỳ trước, cho thấy dịch bệnh đã hạ nhiệt.
Trái lại châu Âu có nhiều quốc gia bị tô đỏ trong bản đồ thể hiện sự thay đổi tỉ lệ số ca mắc. Dữ liệu chi tiết từ WHO cho biết khu vực này có tới 23% số quốc gia ghi nhận số ca mắc tăng 20% trở lên. Số ca mắc cao nhất ghi nhận tại Đức, Nga và Áo. Số ca tử vong cao nhất ở Anh, Ý và Nga.
Với sự gia tăng này, châu Âu tuy vẫn đứng thứ ba trong các khu vực dịch tễ nhưng số ca mắc mới đã là hơn 1,474 triệu ca, gần bằng khu vực đứng thứ hai là châu Mỹ (hơn 1,549 triệu ca).
Châu Mỹ tuy vẫn đứng thứ hai thế giới nhưng cũng được bao trùm trong sắc xanh lục và xanh dương. Số ca khá cao này chủ yếu do báo cáo từ nước Mỹ - 1,085 triệu ca mới và hơn 12.100 ca tử vong mới, lần lượt giảm 29% và 17%.
Ba khu vực dịch tễ còn lại là Đông Địa Trung Hải, Đông Nam Á và châu Phi báo cáo số ca không đáng kể.
WHO đánh giá chính thức về XBB.1.5
Trong báo cáo này, WHO cũng cho biết kết quả đánh giá chi tiết về biến chủng lây lan nhanh XBB.1.5., được cho là thủ phạm của làn sóng COVID-19 tại Mỹ.
Kết luận từ Nhóm cố vấn kỹ thuật về sự tiến hóa virus SARS-CoV-2 (TAG-VE) đánh giá mức "cao" đối với khả năng tăng trưởng của XBB.1.5, mức "trung bình" cho khả năng thoát miễn dịch của nó và mức "thấp" đối với mức độ nghiêm trọng và cân nhắc lâm sàng.
"XBB.1.5 có khả năng góp phần làm tăng thêm tỉ lệ mắc bệnh trên toàn cầu. Có bằng chứng rõ ràng về nguy cơ lây truyền gia tăng và bằng chứng mạnh vừa phải về sự trốn thoát miễn dịch. Từ báo cáo của một số quốc gia, không có dấu hiệu sớm về sự gia tăng mức độ nghiêm trọng đã được quan sát. Tổng hợp lại, thông tin hiện có không cho thấy rằng XBB.1.5 có thêm rủi ro sức khỏe cộng đồng so với các dòng dõi hậu duệ Omicron hiện đang lưu hành khác" - báo cáo cho biết.
Bình luận (0)