Hơn 350 chuyên gia, bác sĩ trong và ngoài nước thuộc các chuyên khoa liên quan đến chẩn đoán và điều trị đột quỵ đã gặp nhau tại TPHCM vào ngày 4-10 trong lễ phát động chiến dịch “1 trong 6”.
Tác động lên 6 nội dung
Đột quỵ (hoặc tai biến mạch máu não) là tình trạng bệnh lý biểu hiện bởi các triệu chứng thần kinh xảy ra đột ngột, tương ứng với tổn thương cục bộ hệ thần kinh trung ương do rối loạn tuần hoàn não. Bệnh có thể khởi phát với các triệu chứng về vận động (gồm đột ngột liệt nửa người, méo miệng, nói đớ…), ngôn ngữ (đột ngột không nói chuyện được) và các triệu chứng khác như đột ngột nhìn mờ, mù một mắt, đau đầu dữ dội, hôn mê…
Quá ít đơn vị đột quỵ
Theo GS Michael Brainin, Chủ tịch Ủy ban Đào tạo của Tổ chức Đột quỵ thế giới, cứ 6 giây toàn thế giới có một người tử vong do đột quỵ và cứ 40 giây có thêm một bệnh nhân đột quỵ. Đây là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ hai ở tuổi trên 60 và đứng hàng thứ 5 ở tuổi từ 15 đến 59, số người tử vong do đột quỵ đang lớn hơn số người tử vong do 3 căn bệnh AIDS, lao, sốt rét cộng lại. Đây cũng là nguyên nhân gây tàn phế hàng đầu và là cấp cứu thường gặp nhất trong chuyên khoa thần kinh.
GS-TS Lê Văn Thành, Chủ tịch Hội Phòng chống tai biến mạch máu não, khẳng định nước ta hiện có 77 bệnh viện đa khoa có nhận điều trị đột quỵ, 100% có khoa cấp cứu và hồi sức, 50% có khoa thần kinh, 82% có chụp CT cắt lớp vi tính và cộng hưởng từ nhưng cả nước lại chỉ có 16 đơn vị đột quỵ, quá ít so với trên 80 triệu dân. Trong khi đó, việc bệnh nhân được điều trị trong đơn vị đột quỵ sẽ giảm 17% tỉ lệ tử vong; giảm 6 ngày điều trị nội trú và thêm 5% bệnh nhân sống không cần sự giúp đỡ của người thân. Vì thế, Hội Phòng chống tai biến mạch máu não đang đề xuất với Bộ Y tế cho thành lập các đơn vị đột quỵ tại các bệnh viện loại I và II trên toàn quốc.
Hậu quả nặng nề nếu chậm điều trị Theo GS-TS Lê Văn Thành, ở nước ta mỗi năm có khoảng 200.000 người bị đột quỵ và số tử vong lên đến 104.800 người. Nước ta chưa có nghiên cứu nào về chi phí điều trị song cứ một bệnh nhân đột quỵ ở mức độ tàn tật trung bình thì coi như đã mất đi một lao động, nếu di chứng nặng phải phụ thuộc người khác thì gia đình sẽ phải mất thêm một người chăm sóc. Thực sự người bệnh đột quỵ đang là gánh nặng cho gia đình và xã hội. Do đó, WHO nhấn mạnh phải luôn xem đột quỵ là một cấp cứu và điều trị tại cơ sở y tế gần nhất. “19 triệu tế bào thần kinh sẽ chết chỉ sau 1 phút đột quỵ. Vì vậy, mọi sự chậm trễ đều đưa đến hậu quả nghiêm trọng” - GS-TS Lê Văn Thành nhấn mạnh. |
Bình luận (0)