Cuối tuần qua, kết quả xét nghiệm của Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới trung ương đã xác nhận một bé gái 12 tuổi, quê Phú Thọ, tử vong do virus cúm B - một chủng cúm thông thường.
Cúm B gây bất ngờ
Ngày 24-12, bệnh nhi xuất hiện các hội chứng cúm thông thường như đau họng, ho và sốt nhẹ. Đến trưa cùng ngày, cơn sốt tăng dần kèm theo hiện tượng khó thở nên gia đình đưa bé vào BV địa phương khám. Chụp X-quang cho thấy phổi trái của bệnh nhi trắng xóa và lan dần sang phổi phải kèm theo hiện tượng suy hô hấp tiến triển nhanh. Các bác sĩ đã đặt nội khí quản cho bệnh nhi và chuyển thẳng cháu đến BV Bệnh nhiệt đới trung ương.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, phụ trách Khoa Cấp cứu BV Bệnh nhiệt đới trung ương, cho biết bệnh nhi nhập viện trong tình trạng suy hô hấp rất nặng nên được thở máy ngay và dùng thuốc Tamiflu theo phác đồ điều trị hội chứng cúm. Tuy nhiên, sau gần 2 giờ cấp cứu, diễn biến của bệnh nhi xấu dần, ôxy máu xuống thấp, xuất hiện suy đa phủ tạng rồi tử vong.
Kết quả xét nghiệm khẳng định bệnh nhi này dương tính với virus cúm B khiến các bác sĩ không khỏi bất ngờ. Bởi lẽ, theo bác sĩ Cấp, diễn tiến bệnh ở cháu bé nhanh hơn rất nhiều do với những trường hợp nhiễm virus cúm trước đó. “Do bệnh tiến triển quá nhanh nên chưa thể khẳng định bệnh nhi có mắc thêm một bệnh lý nào khác hay không” - bác sĩ Cấp băn khoăn.
Các bác sĩ cho biết gần đây, BV Bệnh nhiệt đới trung ương vẫn tiếp nhận những bệnh nhân mắc cúm thông thường đến khám nhưng chưa trường hợp nào phải nhập viện. Hiện nay, số bệnh nhân nhiễm các chủng virus cúm thông thường cũng thấp hơn so với cùng thời điểm năm trước.
Không chủ quan!
Kết quả giám sát bệnh cúm tại cộng đồng của Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương thời gian gầy đây ghi nhận virus cúm hoạt động ở mức độ thấp. Tuy nhiên, theo TS Trần Như Dương, phó viện trưởng, 3 chủng cúm mùa phổ biến là: H1N1, H3N2, B đã lưu hành như một chủng cúm thông thường.
“Dù đa phần bệnh nhân chỉ nhiễm cúm nhẹ, tự khỏi nhưng không nên chủ quan, bởi bất cứ chủng cúm nào cũng có nguy cơ gây tử vong. Trong đó, cúm B thậm chí còn gây bệnh nặng nhiều hơn các chủng còn lại. Đặc biệt, đối với người già, trẻ em, thai phụ hoặc người mắc bệnh mạn tính, suy giảm miễn dịch, khi nhiễm cúm này thì nguy cơ tử vong cao” - TS Dương lưu ý.
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, virus cúm tồn tại quanh năm nhưng phát triển mạnh vào mùa đông. Đa phần người nhiễm cúm sẽ có các triệu chứng như hắt hơi, sổ mũi, ho khan, đau họng, nhức mỏi...; nếu không bị bội nhiễm và biến chứng bất thường thì bệnh có thể khỏi sau vài ngày. Tuy nhiên, vẫn có một tỉ lệ nhất định diễn tiến thành cúm ác tính.
“Chúng tôi từng tiếp nhận một số ca biến chứng viêm phổi nặng là thanh niên khỏe mạnh. Điều này cho thấy cúm thông thường không loại trừ bất cứ ai. Vì thế, ngoài những đối tượng nguy cơ cao thì người bị cúm nhưng có dấu hiệu nặng lên như viêm phổi, suy hô hấp, sốt cao... cần phải lưu ý để tránh những biến chứng đáng tiếc” - bác sĩ Cấp khuyến cáo.
Hiện nay, phòng chống cúm mùa tốt nhất là tiêm vắc-xin. Vắc-xin cúm được chỉ định tiêm ngừa cho người lớn và trẻ em trên 6 tháng tuổi. Sau khi tiêm ngừa khoảng 2 tuần thì vắc-xin có hiệu quả bảo vệ.
Đề phòng cúm mùa kết hợp cúm gia cầm
Theo thông báo mới nhất của Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, hiện nay là thời điểm dịch cúm gia cầm A/H7N9, A/H5N1 và các chủng virus cúm khác phát triển. Gần đây, cơ quan chức năng đã phát hiện dịch cúm gia cầm H5N1 tại tỉnh Trà Vinh và cúm gia cầm H5N6 ở Lạng Sơn, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi. Đây là chủng virus có độc lực cao, từng xuất hiện ở Trung Quốc, Thụy Điển, Đức, Mỹ, Đài Loan. Trước nguy cơ virus cúm trên gia cầm có thể lây sang người, Bộ Y tế đã đề nghị các tỉnh, thành tăng cường biện pháp phòng.
Giới chuyên môn cũng lưu ý các vắc-xin tiêm ngừa cúm mùa hiện nay không thể bảo vệ con người chống lại virus cúm gia cầm. Nếu một người đang mắc bệnh cúm thông thường mà lại nhiễm thêm cúm H5N1 thì 2 loại virus này có thể kết hợp với nhau tạo nên một biến thể mới khiến việc lây truyền cúm từ người sang người mạnh hơn.
Bình luận (0)