xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cùng bước qua 28 tháng đại dịch

THU ANH thực hiện

TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu - người đã đi xuyên suốt cuộc chiến chống dịch Covid-19 ở TP HCM, lần lượt với cương vị Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới đến Phó Giám đốc Sở Y tế - đã dùng từ "chúng tôi" trong suốt buổi trò chuyện vì theo ông, mỗi bước đi trong cuộc chiến cân não này đều có sự đồng lòng của nhiều người

* Phóng viên: Ông và các cộng sự từng nói rằng cuộc chiến với Covid-19 đã bắt đầu từ ngày 1-1-2020, khi những thông tin đầu tiên về bệnh "viêm phổi lạ" ở Vũ Hán - Trung Quốc xuất hiện. Thách thức lớn nhất lúc đó là gì?

- TS-BS NGUYỄN VĂN VĨNH CHÂU: Bệnh Covid-19 và virus SARS-CoV-2 là câu chuyện chưa từng có tiền lệ. SARS-CoV & MERS-CoV trước đây chỉ có thể giúp chúng ta hiểu một phần và cần thêm nhiều nghiên cứu khoa học để làm sáng tỏ nhiều vấn đề.

Có những việc bây giờ là hiển nhiên song trước đây lại gây tranh cãi. Ví dụ, tháng 6-2020, chuyên gia từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng bệnh nhân Covid-19 không triệu chứng thì không thể lây truyền bệnh. Nhưng nghiên cứu của chúng tôi - Bệnh viện (BV) Bệnh Nhiệt đới TP HCM hợp tác với Đơn vị Nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) - công bố trên tạp chí Clinical Infectious Diseases của Hiệp hội Bệnh Truyền nhiễm Mỹ (IDSA) trước đó vài ngày, cho thấy bệnh nhân Covid-19 không triệu chứng trong một chùm ca bệnh trong một quán bar ở TP HCM đã lây truyền thứ cấp cho những người tiếp xúc gần. Công bố này khi đó được Diễn đàn Kinh tế thế giới bình chọn là 1 trong 3 sự kiện nổi bật của tháng.

Cuộc chiến chống Covid-19 có 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu, mục tiêu chính là hiểu biết về căn bệnh càng nhiều càng tốt, áp dụng vào chẩn đoán và điều trị. Với sự chỉ đạo của Sở Y tế TP HCM, chúng tôi cùng các BV bạn và các ban ngành ở thành phố đã xây dựng nền tảng cho hệ thống đối phó đại dịch Covid-19, gồm 2 BV dã chiến và BV điều trị Covid-19 đầu tiên do 2 phó giám đốc của BV Bệnh Nhiệt đới kiêm nhiệm vị trí giám đốc; xây dựng hệ thống xét nghiệm chẩn đoán đủ năng lực để chuẩn bị ứng phó với những thách thức phía trước.

Ngày 8-3-2021, ngay sau khi BV Bệnh Nhiệt đới TP HCM trở thành một trong những nơi đầu tiên của cả nước được chích vắc-xin ngừa Covid-19, chúng tôi khảo sát diễn tiến của đáp ứng miễn dịch sau tiêm chủng. Kết quả công bố trên tạp chí American Journal of Tropical Medicine & Hygienne cho thấy kháng thể sau tiêm mũi 1, mũi 2 thay đổi thế nào, giảm dần ra sao, từ đó đặt vấn đề về sự cần thiết của liều tăng cường trong phác đồ chủng ngừa Covid-19.

Cùng bước qua 28 tháng đại dịch - Ảnh 1.

TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu (Ảnh do BS Châu cung cấp)

* Ông đã nghĩ gì trong khoảnh khắc khởi đầu của "giai đoạn 2" - ngày 12-6-2021 - lúc kéo vali vào BV Bệnh Nhiệt đới TP HCM sau khi phát hiện chùm ca ở nhân viên khối hậu cần và bị phong tỏa?

- Một từ đơn giản: Lo. Lo BV trở thành ổ lây nhiễm lớn, ảnh hưởng đến các bệnh nhân không Covid-19 đang điều trị, nhất là những người uốn ván nặng, lao màng não, HIV… Rất may, nhờ tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình phòng chống lây nhiễm, tất cả bệnh nhân không Covid-19 trong BV ở thời điểm đó và thân nhân đều không bị nhiễm.

Khi đó, chúng tôi ngay lập tức kết thành một khối. Hầu hết nhân viên BV, cả các bác sĩ nội trú, các giảng viên từ 3 trường ĐH Y của TP HCM... đã tự nguyện vào làm việc và ở lại BV 24/24 giờ.

Một câu hỏi "nóng" được đặt ra: "Tại sao đã chích ngừa mà vẫn có một bộ phận nhân viên bị nhiễm virus SARS-CoV-2?". Thời điểm đó, khái niệm "nhiễm đột phá" còn mới mẻ với thế giới. Có những chuyên gia tin rằng vắc-xin phát huy hiệu quả cần thiết, tức đã tiêm thì khi mắc bệnh cũng nhẹ nhưng khoa học cần chứng cứ. Chúng tôi nhanh chóng thu thập các dữ liệu về diễn tiến lâm sàng, phân tích yếu tố dịch tễ; tìm hiểu về diễn tiến tải lượng virus, giải trình tự gien xác định biến chủng (là Delta - PV), khảo sát tình trạng miễn dịch của những người mắc... Kết quả ban đầu đã có ngay sau 2 tuần phong tỏa, giải tỏa nỗi lo của mọi người. Nghiên cứu đó sau này, vào tháng 10-2021, được công bố trên EClinicalMedicine của The Lancet.

Chúng tôi cùng nhau dốc sức làm việc ở mức cao nhất. Khoa xét nghiệm liên tục nhận mẫu, kể cả mẫu tầm soát từ cộng đồng, bất kể ngày đêm. Khoa Hồi sức tích cực - chống độc người lớn sáng đèn 24/24 giờ, tiếp tục cứu sống nhiều bệnh nhân nguy kịch, có cả các ca ECMO. Chúng tôi gọi đây là "tòa nhà ánh sáng" vì cả BV đều hướng về nơi này như niềm tự hào, như niềm tin rằng chúng tôi có thể đối đầu với thách thức bằng trí tuệ và cái tâm của người làm nghề y. Các khoa còn lại hoàn tất chuyển đổi công năng.

Ngày dỡ bỏ phong tỏa cũng là ngày BV Bệnh Nhiệt đới TP HCM trở thành BV điều trị Covid-19 hoàn toàn, vị phó giám đốc còn lại và nhiều nhân viên khác lên đường "chia lửa" cho các BV dã chiến mới lần lượt mở ra...

Giờ đây nhìn lại mới thấy có lẽ đó chỉ mới là đợt sóng đầu tiên báo hiệu một cơn "sóng thần" chưa từng có quét qua TP HCM. Thuộc tầng điều trị cao nhất, BV Bệnh Nhiệt đới luôn kín giường và thiếu giường. Với số ca bệnh và số ca nặng tăng nhanh, TP HCM giai đoạn đó thực sự thiếu giường ôxy, giường hồi sức. Những ngày tháng 6 năm ngoái, dịch có lẽ đã âm ỉ lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng, một cộng đồng hầu hết chưa tiêm chủng vắc-xin, bao gồm người thân của chính nhân viên y tế. Những ngày ấy, nhiều đồng nghiệp tôi nén lòng chiến đấu mà không thể làm gì được cho người thân đang nằm rải rác ở các BV dã chiến.

* Tháng 10-2021 vừa mở cửa, tháng 11-2021 dịch tăng trở lại. Lúc đó ở cương vị mới - Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM - ông đã làm gì?

- Tham khảo ý kiến các chuyên gia điều trị, cùng Phòng Nghiệp vụ y Sở Y tế phân tích các trường hợp tử vong, các trường hợp nặng cần thở máy, chúng tôi nhận ra nhóm bệnh nhân này đa phần trên 65 tuổi, có bệnh nền, có những người chưa tiêm vắc-xin, phụ nữ có thai. Ban Giám đốc Sở Y tế đã tham mưu cho lãnh đạo thành phố triển khai "chiến lược bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ" vào đầu tháng 12-2021.

Toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc, đi từng ngõ, gõ từng nhà, lập danh sách quản lý người cao tuổi trong từng khu phố, từng phường - xã, tìm từng người cao tuổi chưa được tiêm ngừa để tiêm ngừa cho họ; làm xét nghiệm tầm soát các trường hợp nhiễm nhằm bảo đảm cơ hội tiếp cận sớm với thuốc kháng virus. Những giải pháp này đã có hiệu quả khi số ca nặng và tử vong giảm sâu. Cuối tháng 1-2022, làn sóng Delta hạ nhiệt.

* Tháng 2-2022, biến chủng Omicron dần chiếm ưu thế tại TP HCM, chúng ta có lẽ đã bước sang một chặng đường mới?

- Nhiều hy vọng về đại dịch sắp chấm dứt nhưng ngành y tế TP HCM vẫn thận trọng giám sát chặt diễn tiến dịch bệnh. Tôi có hy vọng vì kinh nghiệm ở các nước cho thấy Omicron dù lây nhanh nhưng gây bệnh cảnh nhẹ hơn Delta, nhất là trên một cộng đồng đã tiêm chủng 3 mũi và phối hợp nhiều giải pháp khác, bao gồm chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ, như TP HCM đã làm. Rất mừng vì thực tế đúng như thế. Giai đoạn biến chủng Delta chiếm ưu thế, số ca bệnh mới tăng thì số tử vong cũng tăng, nhất là khi vắc-xin chưa kịp bao phủ và chưa áp dụng chiến lược bảo vệ theo nhóm nguy cơ. Giai đoạn Omicron lấn át ở TP HCM, số ca bệnh có tăng nhưng tử vong vẫn luôn ở mức thấp.

Hiện số ca nhiễm đã giảm, ca nặng giảm sâu, nhiều ngày không có ca tử vong, chúng ta đã có đủ cơ sở khoa học để tự tin sống chung với Covid-19. Thực hiện chỉ đạo của UBND TP HCM, Sở Y tế đẩy mạnh củng cố và nâng cao năng lực của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật thành phố cùng hệ thống y tế cơ sở để tiếp tục bảo đảm năng lực sẵn sàng đối phó với các dịch bệnh truyền nhiễm trong tương lai. Đó có thể vẫn là Covid-19 với một biến chủng mới nhưng cũng có thể là một tác nhân khác. Bệnh truyền nhiễm luôn là một thách thức bất tận đối với loài người. 

TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu tốt nghiệp Trường ĐH Y Dược TP HCM năm 1990 và trúng tuyển kỳ thi bác sĩ nội trú của Trường ĐH Y Dược TP HCM. Ông chọn theo học tiếp 4 năm về chuyên khoa bệnh truyền nhiễm.

Năm 2009, ông tốt nghiệp tiến sĩ tại ĐH Mở, Vương quốc Anh, trong chương trình hợp tác nghiên cứu của OUCRU. Ông công tác tại BV Bệnh Nhiệt đới TP HCM từ năm 1994 qua nhiều cương vị, giữ chức Giám đốc BV từ tháng 4-2011 đến tháng 8-2021 được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo