xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cuộc chiến với tử thần của những người khoác áo giáp chì

Phan Sơn

PHÓNG SỰ.- Thay vì mặc áo blouse trắng, có một nhóm y-bác sĩ tại Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy lại thường xuyên khoác lên người một chiếc áo giáp chì để vật lộn với tử thần. Lần đầu tiên tận mắt chứng kiến công việc của nhóm tim mạch học can thiệp ở đây, chúng tôi không hiểu vì sao họ lại chọn một nghề đầy căng thẳng, cực nhọc, thậm chí nguy hiểm như vậy. Phải sau vài lần xâm nhập thực tế, chúng tôi mới hiểu hết mọi chuyện...

Ngày 20-7: Sự tĩnh lặng ban đêm của con đường Nguyễn Chí Thanh đột nhiên bị phá vỡ vì tiếng còi hụ của một chiếc xe cứu thương hướng về BV Chợ Rẫy. Đó không phải là một ca cấp cứu bình thường, mà là nhồi máu cơ tim (NMCT) cấp.

Nhật ký một ca cấp cứu

2 giờ 05 phút: Cửa khoa cấp cứu mở toang. Chiếc băng ca vội vàng đẩy vào. Trên băng ca, một người đàn ông đang ôm ngực rên xiết.

2 giờ 20 phút: Kết quả thăm khám và xét nghiệm cận lâm sàng xác nhận chẩn đoán của BV bạn hoàn toàn chính xác. Lướt qua bệnh án, tôi đọc được: N.V.A, 57 tuổi, ngụ tại phường 9, quận 10 - TPHCM. Sau bữa ăn tối, bệnh nhân thấy khó chịu trong người. Khoảng 21 giờ hôm trước, trong khi đang xem truyền hình thì bệnh nhân đau râm ran ngực trái. Do cơn đau ngày càng tăng, 21 giờ 30 phút, bệnh nhân nhập viện Nguyễn Tri Phương, sau đó chuyển sang BV Chợ Rẫy. Chẩn đoán: Nhồi máu cơ tim cấp giờ thứ 6.

2 giờ 23 phút: Phòng thông tim của khoa Tim mạch học sáng choang đèn, nhóm làm việc đã có mặt từ bao giờ: 3 bác sĩ, 1 điều dưỡng, 1 gây mê-hồi sức dự phòng khi có sự cố, 1 kỹ thuật viên X- quang.

2 giờ 25 phút: Mọi việc chuẩn bị hoàn tất. TS –BS Võ Thành Nhân, Phó Khoa Tim mạch BV, trưởng đơn vị tim mạch học can thiệp, nói với chúng tôi: “Đây là ca NMCT giờ thứ 6. Nếu để muộn sau 6 giờ thì kết quả can thiệp sẽ không tối ưu. Trong cấp cứu NMCT, 6 giờ đầu là 6 giờ vàng, 6 giờ sau là 6 giờ bạc. Sau 12 giờ thì không còn chỉ định cấp cứu vì cơ tim đã chết”. Nói xong, ông bình thản tiến đến bệnh nhân. Cả ê-kíp chỉ còn 35 phút của thời gian vàng. Càng trễ, lượng cơ tim hoại tử càng nhiều, dự hậu bệnh nhân rất xấu!

2 giờ 26 phút: TS Nhân đâm kim vào động mạch quay phải bệnh nhân.

Máu vừa phun qua đốc kim thì ông luồn một sợi dây nhỏ qua lòng kim. Sau đó ông rút kim ra, qua sợi dây đưa từ từ một ống thông nhỏ về gốc động mạch chủ và gài vào lỗ xuất phát động mạch vành. Đứng cạnh ông, BS Nguyễn Thượng Nghĩa vừa chuẩn bị dụng cụ, vừa điều khiển chiếc đầu đèn chụp xoay đủ hướng, hiển thị lên màn hình trước mặt mọi người hình ảnh chiếc ống đang di chuyển trong người bệnh nhân theo sự điều khiển của TS Nhân.

2 giờ 30 phút: Từ căn phòng bên ngoài ngăn cách với phòng trong bởi lớp kính chì, hai màn hình khác cũng hiện lên hình chiếc ống thông đang di chuyển trong lòng mạch như một con rắn. Bóng tim lờ mờ hiện ra, bóp từng nhát đều đặn.

2 giờ 32 phút: Như quá quen thuộc với công việc của mình, vừa theo dõi các hình ảnh và thông số mạch, huyết áp, độ bão hòa ô-xy của bệnh nhân trên màn hình, BS Trần Anh Chương vừa giải thích: “Trái tim được nuôi dưỡng bởi một hệ thống mạch máu gọi là mạch vành. Do nhiều nguyên nhân, từ thành mạch xuất hiện mảng xơ vữa, gây hẹp lòng mạch và làm tim bị thiếu máu hoặc tắc mạch gây NMCT”.

2 giờ 35 phút: “Chỗ tắc đây rồi!”, BS Chương nói lớn và chỉ cho tôi xem một đoạn mạch máu bị cắt ngang giữa chừng vì thuốc cản quang không thể lọt qua. Vậy là ê-kíp đã đi được 1/3 đường. Qua ô kính, nhóm can thiệp vẫn miệt mài làm việc trong phòng. Từ chiếc cassette nhỏ trong góc phòng, một giai điệu nhạc nhẹ không lời của Pháp vọng ra như để xua bớt sự căng thẳng của thầy thuốc lẫn bệnh nhân...“Còn 25 phút nữa thôi, nhanh lên Nghĩa”, TS Nhân nói với đồng nghiệp.

2 giờ 45 phút: Qua ống thông, TS Nhân đưa tiếp vào một dây dẫn có gắn một quả bóng nhỏ. Khi xuyên qua chỗ tắc, ông bơm bóng lên, ép vào mảng xơ làm cho lòng mạch rộng ra. Chỉ chờ thế, máu vọt qua chỗ tắc và lưu thông bình thường. Trên màn hình, BS Chương chỉ cho tôi xem mạch máu tắc trước đây, giờ đây kéo dài ra như một sợi chỉ. Cả nhóm thở phào, hoàn thành trước “chỉ tiêu” 15 phút!

2 giờ 50 phút: Qua micro đặt tại chỗ, TS Nhân ra lệnh: “Chương ơi, đo kích thước chỗ hẹp cho anh đi”. Sau vài phút thao tác trên hình ảnh mạch máu, BS Chương báo kết quả vào trong: “4 mm/12 mm”. Đó là kích thước của đoạn mạch bị tổn thương vừa được thông, căn cứ vào đó người ta sẽ đưa vào một đoạn giá đỡ bằng kim loại (stent) có kích thước phù hợp.

2 giờ 55 phút: TS Nhân rút bóng ra, thay vào một bóng khác có gắn giá đỡ. Tới chỗ hẹp, bóng lại được bơm lên, làm nở giá đỡ, ép vào mảng xơ khiến lòng mạch rộng lại như bình thường.

Hơn 3 giờ: Cuộc can thiệp hoàn tất. Bệnh nhân được đẩy ra ngoài, tỉnh táo, hết đau ngực và nói chuyện bình thường. Ông ta không ngờ rằng mình vừa lướt qua mặt tử thần trong gang tấc!

Chiếc áo chì 10 kg và nỗi lo “ăn tia”!

Cởi bỏ trang phục trên người, TS Nhân và BS Nghĩa ngồi xuống ghế lộ vẻ mệt mỏi. Phòng có máy điều hòa nhiệt độ, nhưng chiếc áo trong của cả hai đều ướt đẫm mồ hôi. Cuộc can thiệp kéo dài chưa đầy 1 giờ, nhưng đầy căng thẳng.

Trong góc phòng, vừa ghi bệnh án, BS Nghĩa vừa đấm nhẹ thắt lưng, nơi lâm râm cơn đau vì “chứng bệnh nghề nghiệp”. Không khuân vác vật gì, nhưng ở đây các thành viên của nhóm vẫn thường xuyên khoác lên người bộ trang phục bằng chì nặng...10 kg! Nếu tính trung bình mỗi ngày 5 ca, mỗi ca 1 giờ, thì hàng tuần các thành viên chính cũng phải đeo chì trong 10 giờ ở tư thế đứng! Nhưng ngay cả khi mặc đầy đủ, trang phục cũng chỉ bảo vệ được đầu và ngực, những phần khác thì lộ ra hoàn toàn cho tia X “tấn công” mà dân trong nghề gọi là “ăn tia”.

 BS Nghĩa nói với tôi: “Không hiểu sao bây giờ số bệnh nhân mạch vành trẻ tuổi ngày càng nhiều. Đúng ra thì bệnh này thường xảy ra cho người trên 55 tuổi, bây giờ thì dưới 40 tuổi đã bị, thậm chí tôi từng gặp một ca mới... 27 tuổi!”. Bệnh sử bệnh nhân không có gì đặc biệt ngoại trừ yếu tố thường... nhậu sau giờ làm việc và hút thuốc lá thường xuyên! Xong ca thứ ba cũng quá 12 giờ, trong khi chờ chuẩn bị ca khác, cả nhóm ra phòng ngoài ăn trưa. Những hộp cơm vội vàng mở ra, mọi người nhanh chóng "nạp" năng lượng để còn làm tiếp. Gần 13 giờ là ca thứ tư, rồi ca thứ năm lúc 14 giờ 30. Xong ca này kim đồng hồ cũng chỉ gần 16 giờ. Tôi hỏi Bạch Tuyết, cô điều dưỡng  thành viên thường trực của nhóm: “Mệt không?”. “Không, em quen rồi. Làm việc này tuy vất vả, nhưng được cái học hỏi được nhiều lắm”.

Giá chỉ bằng 1/10 của nước ngoài

21 giờ 20 ngày 30-6, từ đầu dây bên kia, giọng TS Nhân gọi tôi khẩn cấp: “Vào đi nhà báo, có ca cấp cứu rồi!”. Bệnh nhân là một giám đốc người Hàn Quốc khoảng 45 tuổi. Từ Phú Yên vào công tác, sau một chầu “sương sương” với bạn bè, ông lên cơn đau thắt ngực. Bệnh nhân không biết tiếng Anh, thầy thuốc không biết tiếng Hàn, cuộc can thiệp thật vất vả vì phải nhờ sự phiên dịch của một người Hàn Quốc biết chút đỉnh tiếng Việt. Hơn một giờ trôi qua, bệnh nhân được cấp cứu kịp thời. Hai giá đỡ đặt vào được tính 60 triệu đồng. Có đắt quá không? “Không!” - TS Trương Văn Việt, Giám đốc BV Chợ Rẫy, nói với tôi. “Ở bên Mỹ thì phải 22.000 USD. Ngay cả bên Singapore, một ca cấp cứu như thế này cũng tròm trèm 20.000 USD, gấp 10 lần Việt Nam. Ở nước mình bác sĩ đã lãnh lương nên không tính vào chi phí cho bệnh nhân. Chúng tôi thu tiền theo giá quy định của Nhà nước”. Năm 2001, nhận thấy số người bệnh mạch vành ngày càng nhiều, BV Chợ Rẫy đi đầu trong việc triển khai đơn vị tim mạch học can thiệp. Nhờ vậy mà hàng trăm ca NMCT đã được cứu sống, hàng ngàn ca bệnh mạch vành được chữa trị kịp thời. Theo TS Trương Văn Việt, BV vừa mua một máy chụp mạch máu mới nhất, sẽ đưa vào sử dụng nay mai.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo