Năm 2002, cuộc thi Sáng tạo Robot châu Á - Thái Bình Dương ABU lần đầu tiên được tổ chức tại Nhật Bản. Tại cuộc thi này, đội tuyển của Việt Nam đến từ Trường Đại học Bách Khoa TP HCM đã giành chức vô địch.
Giáo sư - Bác sĩ Phù Chí Dũng
Giúp học trò tìm kiến thức mới
Ai dám bảo các bạn sinh viên Trường Đại học Bách Khoa TP HCM năm ấy chưa từng đọc qua Doremon hay Kiteretsu và quyển từ điển kỳ bí. Những nhân vật truyện tranh đến từ xứ sở hoa anh đào đã mang lại cho trẻ em Việt Nam một thế giới thật đặc biệt, ít nhiều viết lên cuộc đời các cô cậu học trò nhỏ những khát khao và hoài bão của ngày sau.
Ước mơ của tôi cũng bắt nguồn một phần từ những trang truyện tranh của xứ sở Phù Tang ấy.
Những năm 90 của thế kỷ trước, vùng quê nghèo của tôi ở đồng bằng sông Cửu Long vẫn là đồng không mông quạnh, đi từ vườn cây này gặp được một căn nhà lại tiếp đến vườn cây khác. Đâu đó giữa đồng thấp thoáng những nấm mộ đất be bé. Đấy là mộ của trẻ em bị sốt xuất huyết nhưng chỉ được chữa trị bằng các phương pháp truyền tai nhau, chưa được cơ quan chức năng kiểm chứng. Bên cạnh những mộ đất ấy còn có mộ của những người bị rắn độc cắn, chết trên đường đến bệnh viện.
Trước sự thiếu vắng cơ sở y tế tại quê nhà và khoảnh khắc bắt gặp nhân vật Black Jack, niềm ước vọng được gắn bó với ngành y trong tôi đã được nhen nhóm.
Ngày tôi chính thức công tác tại Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP HCM - nơi điều trị bệnh lý về máu đồng thời là Ngân hàng máu TP HCM và khu vực phía Nam, hình ảnh bác sĩ Black Jack ngày nào chợt hiển hiện khi tôi may mắn được làm việc với một "Black Jack đời thực" chính là thầy của tôi: GS-BS Phù Chí Dũng, Chủ tịch Liên chi hội Truyền máu Huyết học TP HCM.
Những buổi được trực tiếp quan sát thầy thăm khám bệnh nhân là thời khắc học tập rất quý giá đối với chúng tôi.
Có lần, thầy đưa chúng tôi đến quan sát một em bé mắc bệnh máu trắng đang được điều trị bằng thuốc. Sau thời gian dài chữa trị, em bé đã bị tổn thương hầu hết các bộ phận trong cơ thể. Ý thức dù đã quay trở lại nhưng bệnh nhi vẫn không nói được, mất thị lực cả hai mắt, tế bào ung thư đã di căn đến tận hệ thần kinh trung ương.
Cháu bé này bị xuất huyết võng mạc - là triệu chứng đến từ tác dụng phụ muộn của thuốc kháng ung thư. Cuối buổi học, thầy nói với chúng tôi rằng: "Sức mạnh của đồng tiền chính là mua được tất cả các loại thuốc tốt nhất nhưng không có gì chắc chắn là nó sẽ mang lại sức khỏe cho người bệnh. Nhiệm vụ của chúng ta là tất cả bệnh nhân đều được chữa trị như nhau trong bất kỳ tình huống nào. Các bạn hãy nhớ lấy điều đó".
Năm 2018, được sự hỗ trợ của người bạn đồng nghiệp là giáo sư Yoshihisa Kodera - Chủ tịch Hội Ghép tủy và tế bào máu toàn cầu (WBMT), bác sĩ Phù Chí Dũng đã thuyết phục được phía Nhật Bản đồng ý tiếp nhận nhóm bác sĩ, điều dưỡng và kỹ thuật viên của Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP HCM đến Nhật Bản để tham gia đào tạo kỹ thuật chọc dò tủy xương.
Có thể nói, đây là một chương trình đào tạo không dễ gì có được và thật may mắn cho tất cả chúng tôi - những học trò được thầy tin tưởng dìu dắt. Thế nhưng, theo quy định, chỉ có người lao động thuộc biên chế của ngành y tế mới được cử đi học tập tại nước ngoài. Thế là một lần nữa, thầy lại dốc hết sức đấu tranh với các thủ tục hành chính để giúp học trò của mình có được cơ hội tìm đến kiến thức mới.
GS-BS Phù Chí Dũng (thứ tư từ trái qua) và các đồng nghiệp tại Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP HCM
Đậm tính nhân văn
Nếu như ngày thường, sự chân tình nhưng nghiêm khắc của thầy thể hiện qua từng con điểm, từ cái chấm đậu hay đánh rớt thì giờ phút ấy, trong tôi, thầy là một bác sĩ với bản năng nghề nghiệp đậm tính nhân văn không có chỗ cho những tị hiềm, toan tính. Bằng khả năng của mình, thầy chia sẻ, truyền đạt với tất cả tấm lòng, nghĩa cử, nâng từng bước đi của thế hệ tương lai để làm tròn y đức, hướng về sức khỏe của giống nòi, dân tộc.
Chuyến đi của chúng tôi dù được phía Nhật Bản tài trợ hoàn toàn nhưng bản thân thầy đã cố gắng thu xếp cho chúng tôi những điều kiện tốt nhất để có thể lĩnh hội hoàn toàn kỹ thuật tiên tiến.
Sau khi đến Nhật và bắt đầu chương trình học tập, chúng tôi được tiếp cận với một thủ thuật mới thay vì cứ phải đâm xuyên qua da thịt, xới vào vùng xương chậu của bệnh nhân khiến bệnh nhân rất sợ hãi vì đau đớn, đặc biệt với bệnh nhân là trẻ em. Nhiều em đã phải thét lên thảm thiết với công đoạn này, ngay cả người thân chứng kiến cảnh đó cũng không cầm nổi nước mắt.
Hóa ra, mục đích của chuyến đi không chỉ dừng lại ở việc đào tạo thế hệ trẻ. Mãi sau này chúng tôi mới biết vì sao thầy lại tận tâm với việc phải đưa chúng tôi đi đào tạo. Bởi nguyện vọng mà thầy mong mỏi nhất chính là khi chúng tôi trở về, bằng phương pháp này, Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP HCM sẽ là nơi có thể giúp các nạn nhân của căn bệnh máu trắng tại Việt Nam bớt đi phần nào nỗi đau thể xác, khi mà sức lực của họ chẳng còn đủ nhiều để chiến đấu với thời gian.
GS-BS Phù Chí Dũng trong giờ giảng dạy
Miệt mài với tâm nguyện
GS-BS Phù Chí Dũng là người rất ít nói. Một ngày làm việc của thầy, ngoài những gì cần thiết phải trao đổi trong lúc hội chẩn hay thăm khám thì chúng tôi ít khi nghe thầy nói gì nhiều. Nhưng khi bắt tay vào việc, chúng tôi đều bị cuốn theo sự thông thái và cái tâm làm nghề của thầy.
Hình ảnh ấy lại khiến tôi nhớ đến Black Jack, một con người lương thiện ẩn sau vẻ ngoài lạnh lùng. Nhưng khi chữa trị cho người nghèo, Jack không lấy viện phí, anh tự xây dựng các viện dưỡng lão, mua những hòn đảo hoang sơ để bảo tồn thiên nhiên không bị vấy bẩn bởi ngành công nghiệp độc hại của loài người.
Thầy của tôi cũng như thế. Thầy biết mức sống của người dân Việt Nam còn thấp, hạ tầng và khả năng chăm sóc y tế còn hạn chế, bệnh nhân mắc bệnh lý về máu phần lớn chỉ được kéo dài mạng sống thông qua thuốc đặc trị, những người bệnh bị eo hẹp về tài chính chỉ còn biết trông vào "phép lạ".
Đó chính là lý do thầy không ngừng chỉ dạy, đào tạo tại chỗ, đồng thời nỗ lực đi tìm các cơ hội học tập, nâng cao tay nghề cho các y - bác sĩ trẻ mới vào nghề. Ước nguyện duy nhất của thầy trong suốt cuộc đời làm bác sĩ chính là tất cả bệnh nhân Việt Nam sẽ được chữa trị bởi các bàn tay lương y trẻ nhưng có đủ cả tâm lẫn nghề.
Chuyến đi Nhật Bản của tôi năm ấy không gắn với hình ảnh hoa anh đào, cũng không phải núi Phú Sĩ thơ mộng đầy tuyết trắng mà chỉ có màu áo blouse, mùi thuốc sát trùng và những giờ lên lớp để tiếp thu kỹ thuật y học hiện đại. Vì tất cả chúng tôi đều tập trung cao độ thời gian cho học tập, quyết không phụ lòng thầy.
Trở về từ chuyến đi, tôi luôn giữ bên mình lời thầy và tinh thần phụng sự bệnh nhân mà thầy đã luôn gìn giữ. Thầy thì vẫn miệt mài với tâm nguyện của chính mình. Sau giờ hội chẩn hay thăm khám cho bệnh nhân, thầy lại lặng lẽ dốc lòng đi tìm những gì tốt nhất để đào tạo các thế hệ thầy thuốc của nước nhà.
CÁC ĐƠN VỊ TÀI TRỢ
Bình luận (0)