xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cuộc thi “Người thầy thuốc trong tôi”: Bác sĩ "đanh đá" nói không với phong bì

Bài và ảnh: NGUYỄN HẢI MINH

Dù lúc "khổ tận cam lai" hay khi thành công trong sự nghiệp, PGS-TS-BS Trần Danh Cường - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương - luôn giữ vững lập trường nói không với phong bì. Với ông, ngành y nếu không phục vụ người bệnh là thất bại

PGS-TS Trần Danh Cường được nhiều sản phụ nói đùa là "đanh đá" nhất làng sản khoa nhưng nhiều người lại tìm bằng được ông để siêu âm chẩn đoán hình ảnh thai nhi. Vì sự nguyên tắc, thẳng thắn, tập trung cho công việc khiến đôi khi ông hà khắc nhưng mục tiêu cuối cùng là bảo đảm siêu âm hình thái thai nhi tốt nhất cho thai phụ.

"Nhiều người nói tôi dại…"

Khi còn nhỏ, ông Cường chưa khi nào nghĩ đến việc mình trở thành bác sĩ. Ông cũng không hình dung được bác sĩ làm những việc gì. Vậy mà câu chuyện phiếm của người chú lại tình cờ trở thành nguồn động lực thôi thúc ông lựa chọn ngành y và sau đó đỗ vào Trường Đại học Y Hà Nội.

"Chú tôi đi bộ đội về phép kể rằng trong quân đội, bác sĩ là sướng nhất. Khi xảy ra giao chiến thì bác sĩ là người đến sau, khi rút quân thì được đi ôtô. Đặc biệt, bác sĩ luôn mặc chiếc áo trắng tinh khôi, chỉnh tề. Trẻ con lúc đó có biết gì đâu, cứ nghĩ như thế sướng thật nên tôi cứ dần hình thành suy nghĩ lớn lên mình làm bác sĩ" - PGS Cường nhớ lại.

Lên Hà Nội, học Trường Đại học Y năm 1982, hành trang ông mang theo chỉ là chiếc túi đựng ít quần áo, vật dụng và một chiếc chiếu. "Đến giờ, chiếc chiếu đã hỏng nhưng chiếc túi vẫn còn nguyên. Tôi vẫn giữ và "khoe" với con cháu: Bác thành công từ cái này" - PGS Cường cười.

Vào Trường Đại học Y, ông rất ý thức việc học là để chữa bệnh cứu người. Nhà nghèo nên ông chỉ có thể lao đầu vào học, học thật giỏi để có cơ hội vào bệnh viện lớn. Con đường duy nhất để vào bệnh viện lớn là phải thi được bác sĩ nội trú. Với quyết tâm đó, ông "học ngày cày đêm", lại được trời phú trí nhớ tốt nên đã đạt được mục tiêu.

Đến nay, khi được xem là "bậc thầy" trong ngành siêu âm, chẩn đoán và sàng lọc trước sinh nhưng PGS Cường tiết lộ sản khoa không phải là phương án đầu tiên khi ông lựa chọn chuyên ngành học nội trú.

"Tôi cực kỳ thích ngoại khoa, được mổ từ đỉnh đầu đến gót chân. Thế nhưng, khi tôi sang Bệnh viện Việt Đức xin học ngoại khoa, các thầy nói bên này đã đủ người. Tôi định xin sang chuyên khoa mắt nhưng hỏi đường đến Bệnh viện Mắt Trung ương, người ta chỉ hết rẽ phải rồi rẽ trái. Mà tôi làm gì có xe đạp, toàn đi bộ, nên nghĩ thôi, sang ngay bệnh viện đối diện Bệnh viện Việt Đức (là Viện Bảo vệ bà mẹ và trẻ sơ sinh, nay là Bệnh viện Phụ sản Trung ương - PV) để xin học" - PGS Cường hồi tưởng.

Ngay khi bước chân vào văn phòng bộ môn, ông được gặp GS Dương Thị Cương. Bình thường, bà rất bận ở phòng bệnh nhưng hôm đó lại ở văn phòng. "Cô gọi vào hỏi han việc học hành, rồi quyết định nhận tôi vào học" - PGS Cường cho biết.

Giai đoạn 1991 - 1998 được PGS Cường mô tả là quãng thời gian "khổ tận cam lai" của cuộc đời mình. Khi đó, ông vừa tốt nghiệp nội trú và được nhận về giảng dạy nhưng không có biên chế, chật vật sống bằng phụ cấp, tiền làm thủ thuật và tiền mổ.

Trong những ngày mới vào nghề hết sức gian khó đó, ông Cường vẫn giữ vững một lập trường mà đến nay, ông tin đó là một trong những quyết định đúng đắn nhất trong cuộc đời làm nghề y của mình.

"Tôi không bao giờ nhận phong bì của bệnh nhân, kể cả khi mới ra trường, tôi nghèo đến mức trong túi không có một đồng nào. Tôi mổ xong, khám bệnh xong là đi. Nhiều người bệnh tìm đến tận phòng khám riêng "cảm ơn" nhưng tôi có nguyên tắc không nhận phong bì của người bệnh" - PGS Cường khẳng định.

Không nhận quà "cảm ơn" của người bệnh, thời điểm đó, nhiều người bảo ông "dại". Song, ông luôn cho rằng suy nghĩ của mình là đúng và tin vào luật nhân quả.

PGS Cường cho biết ông ít chi tiêu cho bản thân. "Có tiền tôi lại lo cho gia đình, anh em, hỗ trợ đồng nghiệp, học trò nghèo. Còn bệnh nhân nghèo thì tôi giúp đỡ họ. Những người đó rất khổ, đều ở vùng sâu, vùng xa, mình giúp đỡ được chừng nào hay chừng đấy" - ông bộc bạch.

Cuộc thi “Người thầy thuốc trong tôi”: Bác sĩ đanh đá nói không với phong bì - Ảnh 1.

PGS-TS Trần Danh Cường cùng một em bé chào đời trong đêm giao thừa

Người Việt đầu tiên có bằng bác sĩ siêu âm sản khoa

Chuyến đi Pháp du học là bước đệm quan trọng nhất trong sự nghiệp y khoa của PGS-TS Trần Danh Cường.

Ngày nay, siêu âm là phương pháp cực kỳ quan trọng, giúp nối dài bàn tay của bác sĩ sản khoa trong phát hiện, chẩn đoán nhiều bệnh lý nguy hiểm của thai phụ và thai nhi. Tuy nhiên, theo PGS Cường, những năm 1990, kỹ thuật siêu âm thai ở Việt Nam còn rất đơn giản, dường như không phát hiện được gì. Thời đó, nhiều bà mẹ và em bé tử vong hoặc gặp biến chứng do các bệnh lý sản khoa.

Ở thời điểm quyết định đi Pháp du học, PGS Cường tiếp xúc một giáo sư rất nổi tiếng về siêu âm. Xuất phát từ băn khoăn "vì sao người Tây siêu âm giỏi thế?", ông đề đạt thầy để học lĩnh vực này. Sau đó, ông trở thành một trong những người Việt đầu tiên có bằng bác sĩ siêu âm, có thể được làm việc ở tất cả các nước nói tiếng Pháp.

"Siêu âm có tầm quan trọng rất lớn và là một công cụ hỗ trợ không thể thiếu trong sản khoa. Những kiến thức này đã giúp giảm hẳn tỉ lệ thai nhi tử vong và sản phụ bị biến chứng. Bác sĩ không chỉ dùng ống nghe, bàn tay thăm khám mà cần thêm thiết bị, máy móc giúp chẩn đoán trước sinh chính xác" - PGS Cường nhận định.

Chữa bệnh và phục vụ người bệnh

Theo PGS-TS Trần Danh Cường, thời gian qua, ngành y trải qua rất nhiều khó khăn, vất vả. Với thế hệ các bác sĩ trẻ, nhiều người cũng đang phải chật vật đối mặt những khó khăn đó. "Nhưng khi đã theo nghề, làm nghề, hãy luôn lấy sứ mệnh chữa bệnh cứu người là tôn chỉ, mục tiêu, đừng vì những cái khác" - PGS Cường nhắn nhủ.

PGS Cường chia sẻ câu chuyện vượt qua thời gian khó cũng với mục tiêu kiên định trên. Đó là chuyện suốt 8 năm ông giảng dạy không biên chế, chỉ nhận được tiền phụ cấp ít ỏi.

"Năm 1991, khi vừa tốt nghiệp nội trú, tôi được nhận về làm giảng viên bộ môn. Thời điểm đó vất vả lắm, tất cả mọi chi tiêu vỏn vẹn trong tiền lương. Tôi nghèo đến mức sợ Tết, vì Tết không có đồng nào biếu gia đình. Nhưng dù vất vả là thế, tôi vẫn lắc đầu trước lời mời gọi của rất nhiều công ty tư nhân để gắn bó với vị trí giảng viên của bộ môn" - PGS Cường bày tỏ.

Hơn 30 năm đóng góp cho nền y học nước nhà, PGS Cường vẫn còn nhiều trăn trở về sứ mệnh phục vụ người bệnh. "Không có nơi nào mà bệnh viện thì xập xệ, nhà vệ sinh thì rất bẩn nhưng được coi là bình thường như ở nước ta" - ông xót xa.

PGS Cường cho rằng trong ngành y, nếu không phục vụ người bệnh là thất bại. Với cương vị Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, kỳ vọng lớn nhất của ông là làm sao để bệnh viện phải thật đẹp, thật sạch, phục vụ thật tốt cho người bệnh.

"Chữa bệnh là một phần, phục vụ người bệnh lại là chuyện khác. Người bệnh luôn cần đẹp hơn, tốt hơn" - PGS Cường nhấn mạnh. 

Đỡ đẻ đêm giao thừa

Hơn 30 năm gắn bó với ngành sản khoa, PGS-TS Trần Danh Cường không nhớ ông đã đỡ đẻ, mổ đẻ cho bao nhiêu sản phụ. Ông tâm sự rất thích khoảnh khắc đón những sinh linh bé bỏng chào đời. Từ khi đảm nhận vai trò Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, cứ đêm giao thừa là ông lại vào bệnh viện đón năm mới cùng các y - bác sĩ và để đón các em bé sinh ra trong thời khắc chuyển giao năm cũ - năm mới.

"Một em bé ra đời khỏe mạnh, bình an đã là một điều tuyệt vời, sinh ở thời khắc giao thừa càng thấy xúc động hơn. Một em bé - "chủ nhân tương lai" - chào đời, mang bao niềm hạnh phúc, ước nguyện của mỗi gia đình. Tôi thích ngắm nhìn những sinh linh chào đời đó, những mầm sống của tương lai, của đất nước" - PGS Cường bộc bạch.

"Trên thế giới, chưa người nào nói nghề bác sĩ không vất vả. Vì vậy, phải cố gắng để vượt qua vất vả đó. Mọi kiến thức ta học được, thực hành hằng ngày đều rất quan trọng để chữa bệnh cứu người” - PGS-TS Trần Danh Cường nhấn mạnh.


ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH


Cuộc thi “Người thầy thuốc trong tôi”: Bác sĩ đanh đá nói không với phong bì - Ảnh 4.
Cuộc thi “Người thầy thuốc trong tôi”: Bác sĩ đanh đá nói không với phong bì - Ảnh 5.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo