Ghi nhận tại Bệnh viện (BV) Chấn thương Chỉnh hình TPHCM, vào thời điểm cuối năm, tình trạng tai nạn lao động phải nhập viện gia tăng. Riêng tháng 12- 2008 đã có 529 bệnh nhân phải vào cấp cứu do tai nạn lao động tại BV này, tăng 40 ca so với tháng trước đó. Điều đáng lưu ý là cả trẻ em cũng bị tai nạn lao động vì trong 529 trường hợp này có 60 người gồm phụ nữ và trẻ em.
Tai nạn lao động mọi lúc, mọi nơi
Chị P.M.L, 32 tuổi, là công nhân cho một cơ sở sản xuất bì tại Bình Chánh với mức lương 1,5 triệu đồng/tháng. Do hàng Tết nhiều nên chị phải làm tăng ca suốt đêm và luôn trong tình trạng buồn ngủ. Vì vậy, chị P.M.L đã bị máy ép keo cuốn luôn tay phải vào lúc 1 giờ sáng cuối năm 2008 khi đang vừa làm vừa ngủ gật. Chị được đưa vào BV Chấn thương Chỉnh hình trong tình trạng bàn tay phải đã bị giập nát. Mặc dù nhập viện sớm nhưng do mức độ tổn thương nặng nên bàn tay phải của chị L. không thể phục hồi được, phải cắt bỏ.
Còn anh Nguyễn Viết T., 18 tuổi, phải trải qua 11 giờ để được chuyển từ Bình Thuận vào BV Chấn thương Chỉnh hình cấp cứu do bị tai nạn với máy nổ tạo khí nuôi tôm vào lúc 3 giờ ngày 29-12-2008. Trong lúc đi kiểm tra nước hồ, do đêm tối và buồn ngủ nên khi đi ngang qua máy nổ tạo khí, quần của anh T. đã bị cánh quạt máy quấn vào và kéo người anh vào đây. Để cản lại lực kéo của máy, anh T. đã lấy tay chịu vào máy nên bị gãy xương vai cánh tay đồng thời đầu cũng bị đập xuống đất.
Không chỉ có những công nhân phải làm tăng ca hoặc ca đêm mới bị tai nạn lao động mà có những trường hợp tai nạn khi làm việc tại gia đình. Thất nghiệp, chị H.T.O phải trở về làm nông cho gia đình tại Đồng Nai. Khi đang làm với máy tuốt lúa, do không quen công việc đồng áng nên chị O. đã bị máy tuốt lúa quấn cánh tay trái vào. Khi chị nhập BV Chấn thương Chỉnh hình sau 7 giờ chuyển viện, cánh tay trái của chị đã đứt quá cẳng tay, còn phần tay bị đứt lìa và giập nát đã bị bỏ lại tại hiện trường. Chị O. ngậm ngùi: “Không biết sắp tới sẽ ra sao vì sau khi xuất viện tôi chỉ còn một cánh tay, chắc không có công ty nào chịu nhận người tàn tật”.
Ý thức an toàn lao động kém
Bác sĩ Nguyễn Văn Thái, Trưởng Khoa Chi trên BV Chấn thương Chỉnh hình, cho rằng tai nạn lao động xảy ra do công nhân và cả người sử dụng lao động không có ý thức về an toàn lao động, không được trang bị trang phục lao động. Nhiều trường hợp bị tai nạn do cuốn tóc, cuốn quần áo hoặc là những phụ liệu như tăng, bạt... Trong số các trường hợp bị tai nạn lao động, do phần xử trí ban đầu thường không đúng cách nên các bác sĩ khó phục hồi lại bộ phận đã bị tổn thương và người lao động trở thành tàn tật.
Nhiều trường hợp công nhân quá coi thường các thao tác trong lúc lao động hoặc công nhân trẻ chưa đến tuổi lao động hay do máy móc quá cũ nên tai nạn dễ xảy ra. Nguyễn Chí T., 18 tuổi, làm việc cho Công ty Xi mạ Hàn Quốc và Châu Văn M., 16 tuổi, làm cho công ty sản xuất đinh ốc, đều có tai nạn lao động giống nhau và nằm cùng phòng điều trị tại BV Chấn thương Chỉnh hình. Cả hai người này khi đang cuốn ống sắt và bo sắt thấy máy chạy chậm đã chủ quan là máy không hoạt động cố gắng lấy tay đẩy thanh sắt vào máy nhưng bị máy cán giập nát tay.
Nên nhập viện trước 6 giờ Theo bác sĩ Thái, thường gặp nhất là môi trường lao động dơ bẩn, máy móc cũ làm cho vết thương nhiễm trùng và nhiều trường hợp phải mất tay do phần tổn thương bị hoại tử vì nhiễm trùng. Do đó, nên đưa nạn nhân nhập viện ngay để tránh mất máu, tránh nhiễm trùng. Nếu nhập viện trước 6 giờ sau khi tai nạn xảy ra thì khả năng hồi phục các bộ phận tổn thương cao hơn. Đặc biệt, bác sĩ Thái khuyên người bị các dạng tai nạn lao động gây trật bàn tay, cổ tay hoặc khớp cánh tay không nên điều trị bằng cách bó thuốc nam vì sẽ làm mạch máu không lưu thông dẫn đến hư luôn cả bàn tay hoặc cánh tay. Còn những trường hợp cánh tay bị quấn vào máy nếu nạn nhân cố gắng rút tay ra sẽ dễ làm giập nát bàn tay khó phục hồi hoặc sốc dẫn đến tử vong. Trong trường hợp này, người làm cùng nên tỉnh táo ngắt dòng diện để máy ngừng hoạt động. |
Bình luận (0)