Sáng 29- 4, bác sĩ Tạ Quốc Tri, Trưởng Khoa Ngoại thận- Tiết niệu Bệnh viện (BV) Đa khoa TP Cần Thơ, cho biết tình trạng sức khỏe của L.M.D (SN 1990, ngụ xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ) - bệnh nhân tự cắt một bên tinh hoàn của mình - đã chuyển biến tốt đẹp sau 4 ngày điều trị.
Trưa cùng ngày, bệnh nhân D. đã được xuất viện.
Trước đó, D. được người nhà chuyển từ BV Thới Lai lên BV Đa khoa TP Cần Thơ trong tình trạng máu bầm tụ ở vùng bìu do tự cắt tinh hoàn trái và khâu lại bằng chỉ may quần áo. Bệnh nhân luôn tỏ ra đau đớn khi di chuyển.
Sau khi rạch bìu lấy khoảng 600 ml máu bầm, ê-kíp phẫu thuật của BV đã xử lý kẹp cầm máu, rửa sạch vết thương và khâu lại vùng bìu cho bệnh nhân D. “Nếu không đến BV điều trị sớm thì chắc chắn tinh hoàn còn lại của bệnh nhân này sẽ bị ảnh hưởng”- một bác sĩ điều trị cho bệnh nhân D., khẳng định.
D. cho biết trước đó cảm thấy tinh hoàn của mình có triệu chứng đau, co thắt rất khó chịu nên được vài người bạn thân chỉ dẫn đến nhà một người quen cùng địa phương để… tự xử tinh hoàn. “Những thằng bạn trước đó cũng đã... tự xử nhưng không bị gì nên mình làm theo”- D. cho biết.
Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ thường xuyên tiếp nhận và điều trị cho những bệnh nhân “tự xử” hoặc bị “xử” bộ phận sinh dục nam
Cùng ngày, bác sĩ Lê Quang Dũng, Trưởng Khoa Ngoại niệu Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ, cho biết nơi đây cũng vừa điều trị thành công một bệnh nhân “tự xử” tinh hoàn của mình, dẫn đến nhiễm trùng do tự khâu vết thương sơ sài. Ngoài ra, cứ khoảng 1-2 tháng, khoa này cũng tiếp nhận và điều trị một bệnh nhân bị vợ cắt “của quý”.
"Nếu nạn nhân và "của quý" được đưa vào BV trước 6 giờ thì tỉ lệ nối lại thành công rất cao”- bác sĩ Dũng, cho biết.
Cũng theo bác sĩ Dũng, thời gian gần đây, có lẽ do có tìm hiểu thông tin về y khoa nên một số bà vợ hoặc người tình sau khi cắt phăng “của quý” của chồng hoặc người tình thì liền tìm cách bảo quản trong nước đá và mang liền vào BV để chữa trị.
Bác sĩ Dũng còn cho biết thêm ngày càng có nhiều bệnh nhân tìm đến khoa để lấy những viên bi ra khỏi “của quý”. Đa phần những bệnh nhân này là những người vừa mới ra tù. Khi đang thụ án, quan niệm của họ là đã có “súng” thì phải có “đạn”. Tuy nhiên, khi trở về gia đình, buộc lòng họ phải lấy “đạn” ra.
Bình luận (0)