Đó là chia sẻ của Đại tá-TS-BS Trần Quốc Việt, Phó Giám đốc Bệnh viện Quân y 175, trong buổi mừng ngày ra viện cho ngư dân Nguyễn Hùng (50 tuổi; ngụ Lý Sơn, Quảng Ngãi) sau 88 ngày giành giật sự sống vì hậu Covid-19.
Ngư dân Nguyễn Hùng ngày ra viện (Ảnh: Hải Yến)
Tại buổi lễ xuất viện, Thượng tá, bác sĩ Vũ Đình Ân, Phó Chủ nhiệm Khoa Hồi sức Tích cực, Bệnh viện Quân y 175, cho biết 7 ngày trước khi nhập viện, bệnh nhân đang đi đánh bắt hải sản thì có triệu chứng ho, sốt, khó thở nên nhập Bệnh xá đảo Trường Sa lớn cấp cứu trong tình trạng suy hô hấp nặng, tràn khí màng phổi trái với lượng nhiều.
Lập tức, các bác sĩ tại Bệnh xá Trường Sa lớn và Bệnh viện Quân Y 175 hội chẩn từ xa (hội chẩn Telemedicine) quyết định cho bệnh nhân thở oxy liều cao, dẫn lưu khí màng phổi trái… Tuy nhiên, do phổi tổn thương nặng nên bệnh nhân được đặt nội khí quản, sau đó vận chuyển cấp cứu từ ngoài đảo vào đất liền cấp cứu bằng đường hàng không.
Các bác sĩ tại Trường Sa đã được hội chẩn qua Telemedecine với ê-kíp bác sĩ tại Bệnh viện Quân y 175 để dẫn lưu khí màng phổi và đặt nội khí quản cho bệnh nhân. (Ảnh: Bệnh viện cung cấp)
Tại bệnh viện, bệnh nhân suy hô hấp, suy đa tạng, các bác sĩ phải dùng thuốc trợ tim mạch liều cao. CT ngực ghi nhận tổn thương đông đặc nền phổi hai bên. Sau 2 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân có đáp ứng, nhưng sau đó phổi tổn thương nặng phải đặt ECMO (hệ thống tim, phổi nhân tạo).
Đáng chú ý, quá trình chạy ECMO bệnh nhân tiếp tục bị nhiễm nấm, vi khuẩn đa kháng khiến việc điều trị gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, ê-kíp Bệnh viện Quân y 175 đã hội chẩn với Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới điều chỉnh phác đồ kháng sinh, kháng nấm, nuôi dưỡng, tập vật lý trị liệu bệnh nhân có đáp ứng điều trị tốt.
Ê-kíp bác sĩ Bệnh viện Quân y 175 vận chuyển cấp cứu bệnh nhân từ Trường Sa về bệnh viện tiếp tục cứu chữa. (Ảnh: Bệnh viện cung cấp)
"Các bác sĩ đã tập trung mọi nguồn lực điều trị. Bệnh nhân đã trải qua 88 ngày điều trị tích cực, trong đó có 42 ngày thở máy liên tục, 14 ngày chạy ECMO và có 26 quả lọc máu hấp phụ (thông thường khoảng 2-3 quả là tối đa). Đồng thời, bệnh nhân cũng sử dụng loại kháng sinh mới nhất (loại phi công 91 người Anh từng sử dụng), thuốc nâng miễn dịch…" – bác sĩ Ân kể.
Kể từ sau dịch Covid-19, đây là bệnh nhân đầu tiên được vận chuyển cấp cứu bằng đường không tại Bệnh viện Quân y 175. (Ảnh: Bệnh viện cung cấp)
Theo bác sĩ Ân, tại bệnh viện đã vận chuyển rất nhiều ca bệnh từ Trường Sa về đất liền cấp cứu. Tuy nhiên, đây là ca khó vì khi nhập viện bệnh nhân rất nặng như viêm phổi hoại tử, lủng phổi, tràn khí màng phổi, suy đa tạng… nên quá trình vận chuyển cũng gặp nhiều khó khăn do thay đổi áp suất.
"Có thời điểm chúng tôi nghĩ bệnh nhân không thể qua khỏi. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của ê-kíp và nghị lực sống của bệnh nhân cùng gia đình đã tin tưởng chúng tôi nên mọi thứ dần dần tốt đẹp, bệnh nhân được hồi phục trở lại. Và chuyến bay cấp cứu trong đêm lần này cũng cảm ơn Chính phủ, Bộ Quốc phòng đã ký gấp để cấp cứu bệnh nhân được kịp thời, vì chỉ muộn 30 phút nữa thôi bệnh nhân sẽ khó qua khỏi" – bác sĩ Việt nói.
Sau hơn 2 năm, đã có hơn 100 trường hợp bệnh nhân được cấp cứu từ quần đảo Trường Sa vào đất liền thành công bằng đường không tại Bệnh viện Quân y 175.
Bình luận (0)