Thông tin từ bệnh viện cho biết bé nhập viện hồi 18 giờ ngày 18-5 với cây bút còn cắm trên ngực. Cây bút đâm từ phía trước, sượt qua phổi làm rách màng phổi, đâm vào vùng trung thất (là khoang nằm giữa ngực, chứa nhiều cơ quan và mạch máu lớn).
Bé gái 4 tuổi sau ca mổ. Sáng nay, bé đã tỉnh - ảnh: BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG THÀNH PHỐ
Cây bút bi còn xuyên thủng cả tĩnh mạch chủ trên, nhưng may là người nhà không rút cây bút ra nên chưa gây xuất huyết nặng.
Các bác sĩ đã nhanh chóng mổ cấp cứu, loại bỏ cây bút bi, xử lý các vết thương ở tĩnh mạch, phổi và ngực.
Cây bút bị cắm sâu vào ngực bé đến hơn phân nửa - ảnh: BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG THÀNH PHỐ
Đến sáng nay 19-5, cháu bé đã qua cơn nguy kịch, tỉnh táo và có thể xem phim. Bé đang được tiếp tục theo dõi tại Khoa Hồi sức tích cực – chống độc của Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố.
Theo lời người nhà, cháu bé đang chơi với cây bút bi thì bị vấp, ngã sấp lên bút.
Qua trường hợp trên, các bác sĩ khuyên phụ huynh không nên để trẻ chơi với vật nhọn, có thể gây thương tổn như các loại bút, dao, kéo, đũa, nĩa ăn… Khi trẻ bị thương do vật nhọn đâm phải, nên di chuyển trẻ cùng với vật nhọn được cố định nguyên vị trí đến cơ sở y tế. Việc tự ý rút vật nhọn ra có thể khiến máu tuôn xối xả, nạn nhân chết vì mất máu. Đồng thời, bác sĩ sẽ khó khăn hơn trong việc xác định và xử lý thương tổn cho dù có đến bệnh viện kịp.
Nhiều tai nạn trẻ em đã xảy ra với cây bút bi, trong đó phổ biến nhất là trẻ lỡ nuốt hoặc nhét các phần của bút vào mũi, tay và khiến chúng mắc kẹt bên trong cơ thể.
Bình luận (0)