Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, các em được hỗ trợ hô hấp và uống than hoạt tính. Riêng bé Bích H. được truyền tĩnh mạch thuốc giải độc thiosulfate. Hiện cả hai em đều đã tỉnh và trong tình trạng sức khỏe ổn định.
Theo BS Bạch Văn Cam, Trưởng khối Hồi sức cấp cứu- Bệnh viện Nhi Đồng 1, nếu không được phát hiện và xử trí đúng, kịp thời, ngộ độc khoai mì có thể nhanh chóng dẫn đến tử vong. Độc tố của khoai mì khi vào dạ dày sẽ chuyển thành acid cyanhydric, gây ức chế hô hấp tế bào, làm nạn nhân khó thở, hôn mê, co giật và trụy mạch.
BS Cam cho biết độc tố của khoai mì lương thực nằm ở phần đầu và lớp vỏ ngoài với hàm lượng khoảng 20-30 mg/kg; nếu chế biến không đúng cách, có thể gây ngộ độc. Vì thế, khi chế biến cần lột bỏ toàn bộ phần vỏ và chặt bỏ hai đầu củ khoai; ngâm khoai và thay nước thường xuyên để loại bỏ chất độc và khi nấu khoai phải mở nấp nồi ra để chất độc bay đi.
Còn với khoai mì cao sản, độc tố có cả trong phần củ với hàm lượng khá cao, khoảng 60-150 mg/kg nên rất dễ ngộ độc. Do đó, không nên ăn khoai mì cao sản.
Bình luận (0)