Đó là thông điệp được đưa ra tại hội nghị tổng kết hoạt động chương trình phòng chống bệnh đái tháo đường tại TPHCM năm 2011 do Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM tổ chức cuối tuần qua.
Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM, cho biết một hội nghị quốc tế về dinh dưỡng và các bệnh chuyển hóa lần đầu tiên được nước ta đăng cai tổ chức vào cuối tháng này cũng sẽ nói rõ thực trạng về loại đại dịch thứ 4 (sau các đại dịch: tim mạch, ung thư, AIDS) mà nhân loại đang đối mặt: Đái tháo đường.
Theo bác sĩ Diệp, đái tháo đường là một bệnh mãn tính không lây nhiễm liên quan đến dinh dưỡng. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, nếu như năm 2000 có 157 triệu người mắc bệnh đái tháo đường (chiếm 4,8% dân số toàn cầu) thì dự báo đến năm 2025 sẽ có 300 triệu người mắc. Trong đó, khu vực Tây Thái Bình Dương có số người mắc cao nhất với 44 triệu người, Đông Nam Á là 35 triệu người và tốc độ gia tăng ở các nước đang phát triển là 170%.
Ở nước ta, tình hình mắc bệnh đái tháo đường đang có chiều hướng gia tăng, đặc biệt tại các TP lớn. Theo kết quả điều tra mới nhất, tỉ lệ mắc đái tháo đường bình quân toàn quốc là 5% dân số (riêng TPHCM là 7%), tỉ lệ tiền đái tháo đường là 27%. Dự báo trong những năm tới, những đối tượng tiền đái tháo đường sẽ trở thành người bệnh nếu các yếu tố nguy cơ không được khống chế có hiệu quả. Điều đáng lo ngại là 65% người bệnh không hề biết mình mắc bệnh.
Biến chứng do bệnh đái tháo đường gây ra rất nguy hiểm và nguy cơ tử vong cao. Hầu hết các chi phí trực tiếp cho bệnh đái tháo đường liên quan đến biến chứng của bệnh. 50% người bệnh bị biến chứng các bệnh lý tim mạch, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, mù lòa, loét, suy thận, biến chứng thần kinh…
PGS-TS Phạm Văn Bùi, Phó Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương kiêm Phó Ban Chỉ đạo Phòng chống bệnh đái tháo đường TPHCM, cho biết từ khoảng 3 năm trở lại đây, riêng Bệnh viện Nguyễn Tri Phương đã tiếp nhận một số lượng không nhỏ bệnh nhân mắc đái tháo đường và hằng năm gia tăng với khoảng 500-1.000 trường hợp. Hầu hết bệnh nhân đến khám và điều trị trước đó không hề nghĩ là mình bệnh, cho đến khi thử đường huyết mới biết. Thậm chí có trường hợp khi đến bệnh viện thì chân đã có dấu hiệu lở loét, mắt mờ nhưng người bệnh lẫn gia đình cứ tưởng bị nhiễm trùng.
Các chuyên gia y tế nhận định rằng đái tháo đường là vấn đề y tế nan giải và là gánh nặng cho sự phát triển kinh tế - xã hội trong thế kỷ XXI vì hậu quả nặng nề của bệnh cùng các chi phí tốn kém trong điều trị đang chiếm khoảng 3%-6% ngân sách dành cho y tế. |
Bình luận (0)